Ba cõi không an như nhà lửa. Đâu miền chân lạc khỏi tang thương. Người vô thường, cảnh vô thường. Khuyên gọi cùng nhau tỉnh mộng. Quay về biển giác thanh lương.
TIỂU SỬ CỦA ĐỨC DRUPON SONAM JORPHEL RINPOCHE



Ladakh là một miền đất tuyệt đẹp được gia hộ bởi một chuỗi liên tục không gián đoạn các vị Vua và thượng thư thông tuệ và chứng ngộ, là hiện thân của các Đại Bồ Tát. Một trong những thung lũng trong vùng thấp của miền đất này là Bodhkharbu, tại đây Đức Drupon Jorphel Rinpoche ra đời trong một gia đình tên là Gongmapa. Thân phụ ngài là Sonam Tsephel và thân mẫu là Chosnyit Zangmo, một phụ nữ có bản chất hết sức tốt lành, lịch thiệp và độ lượng. Ngài là con út trong gia đình có bốn trai và một gái.
Vào sáng sớm ngày mồng 10 tháng 2 năm Thổ Mẹo, ngài ra đời thật nhẹ nhàng với nhiều điềm kỳ diệu và tốt lành, không làm mẹ ngài đau đớn khi chuyển dạ. Theo khoa chiêm tinh, bởi ngài sinh vào ngày thứ năm nên ngài sẽ thông tuệ và thực hành Pháp. Tiên tri nói rằng bởi sao hộ mạng của ngài là Yugpa, ngài sẽ sống từ 28 tới 90 tuổi. Vào ngày mồng 10 và trong tháng 10 ngài sẽ gặp những chướng ngại bởi ngôi sao về việc ngài ra đời được in dấu trên bàn tay ngài. Dấu hiệu rõ ràng khác là một hình chữ vạn theo chiều kim đồng hồ xuất hiện trên mu bàn tay trái của ngài. 

Vào lúc này, Pháp Vương ở Ladakh là Choje Chosku Tsang. Ngài kiểm tra đứa trẻ thật trìu mến và thương yêu nó mặc dù nó còn rất nhỏ. Ngài thực hiện một tiên tri rõ ràng cho bà mẹ rằng nếu đứa bé được nuôi dưỡng hoàn hảo và thọ giới xuất gia, nó sẽ mang lại lợi lạc to lớn cho rất nhiều chúng sinh. Ngài đặt tên cho cậu bé là Jorphel Palzangpo và ban rất nhiều gia hộ, điều đó làm kinh ngạc những người hiện diện. 

Ngay cả khi còn là một đứa trẻ, Drupon Jorphel Rinpoche đã biểu lộ lòng từ ái bẩm sinh đối với những người nghèo khó và lòng sùng mộ đối với những bậc minh triết. Đặc biệt là ngài có thiên hướng tỉnh giác của Đại thừa với sự thông tuệ kỳ diệu bẩm sinh và luôn luôn biểu lộ lòng thương yêu và chân thật một cách tự nhiên thậm chí không cần phải rèn luyện các hành vi đạo đức. Ngài thích thực hành Pháp siêu việt một cách tự nhiên. Cách ngài giảng dạy Pháp, phương pháp và trí tuệ về phương diện đi vào con đường và những nỗ lực của ngài để làm lợi lạc chúng sinh phù hợp với những biểu hiện kết quả được giảng dạy trong Abhisamayalankaranama. 

Có câu nói rằng:

Bồ đề tâm sẽ không từ bỏ ta
Như cò thìa từ bỏ nước và khói từ bỏ lửa 
Có thể xét đoán gia đình của một Bồ Tát minh triết
Bằng những đặc điểm của ngài.

Phù hợp với những điều này, bởi Drupon Jorphel Rinpoche là một Bồ Tát với một tâm hồn cao quý và những ý hướng phi thường, mọi người trong làng nói rằng ngài hẳn là một hóa thân vĩ đại. Đặc biệt, thông tin ầm ĩ như gió nói rằng ngài là hóa thân của Trì minh vương Tashi Wangdan hay Balok Gelong, một đệ tử thành tựu của Drupon Choskyab Rinpoche. Tuy nhiên, đối với ngài, danh hiệu Tulku này tan biến như một cầu vồng, bởi ngài không quan tâm tới một địa vị như thế và thân phụ của ngài xuất thân từ một gia đình nghèo khó chắc chắn là không chú tâm tới vấn đề này. Đặc biệt là thân phụ và ông của ngài không ích kỷ và vô minh như nhiều người thời nay. 

Từ bốn tới năm tuổi, Drupon Jorpehel Rinpoche bắt đầu học đọc với thân phụ. Ngài đọc Tuyển tập các Đà-ra-ni; 8000 câu kệ; Kinh Súc tích; Tiểu sử của Đức Liên Hoa Sanh. Sau đó ngài học thuộc lòng toàn bộ các nghi thức và những cách thức cử hành Pháp của dòng Drikung Kagyu. Ngài nổi tiếng bởi rất thông tuệ khi học tập rộng rãi như thế. Không chỉ học tập xuất sắc vào ban ngày, ngài cũng có thể học thuộc lòng các trì tụng trong các giấc mơ mà không cần đọc các bản văn. 

Khả năng đọc các bản văn vào ban ngày cũng như trong các giấc mộng thì giống với tiểu sử của Đức Karmapa Rolpe Dorje trong quá khứ. Theo tiểu sử của Karmapa Rolpe Dorje, mỗi đêm ngài mở nhiều bản văn và sắp xếp chúng quanh giường và trong giấc mộng, ngài có thể học thuộc lòng những từ trong các bản văn và hiểu ý nghĩa của chúng. Tương tự như vậy, Drupon Sonam Jorphel Rinpoche siêu phàm đã học thuộc lòng các bài Pháp trong và ngoài giấc mơ. Một trong nhiều bản văn mà ngài hoàn toàn học thuộc lòng trong các giấc mơ mà không phụ thuộc vào việc đọc bản văn vào ban ngày là  ‘Hai mươi Lời Tán thán Shinskyong’. Như thế ngài đã hết sức nỗ lực không chút xao lãng trong việc học tập, cả ngày lẫn đêm trong các giấc mộng, với sự thông tuệ và kiên nhẫn bẩm sinh, theo cách thế của những bậc siêu phàm thủa trước. 

Mặc dù sinh trong một gia đình có bề ngoài nghèo khó,
Tâm ngài thấm đẫm vẻ đẹp tận thâm sâu 
Của sự thông tuệ và kiên nhẫn bẩm sinh.
Bất biến trong bản tánh siêu phàm của ba bí mật,
Ngài là một Bồ Tát vô úy không khác một núi vàng. 

Năm lên tám, Drupon Jorphel Rinpoche cúng dường tóc trên đỉnh đầu cho Ladakh Cheje Togden Rinpoche và nhận Pháp danh “Konchok Samtan.” Đối với việc tu học, sau đó ngài được thu nhận và trở thành một Sa di trong tu viện Yungdrung Tharpa Ling, một địa điểm tốt lành phi thường mà các học giả và thành tựu giả trong quá khứ như A La Hán Nyima Gungpa, Đại Thành tựu giả Naropa và Dịch giả Rinchen Zangpo đã thăm viếng. Một lần nữa ngài học các nghi lễ, các tác phẩm Giáo Pháp và phụng sự tu viện phù hợp với những truyền thống cổ xưa và trở nên nổi tiếng như một tiểu Sa di xuất sắc mà mọi người đặt rất nhiều kỳ vọng. 

Nơi người ta thành tựu Trí tuệ Nguyên sơ Đại Lạc của Dharmadhatu (Pháp giới),
Suối nguồn của mọi điều tốt lành nhờ thấy, nghe và xúc chạm,
Yungdrung Tharpa Ling, Giáo Pháp, suối nguồn của sự giảng dạy và thực hành. 
Kỳ lạ thay! Trụ xứ này của những bậc siêu phàm thật tuyệt diệu.
Việc nghiên cứu, suy niệm và thiền định

Để có sự xác tín nơi truyền thống của các Đạo sư vĩ đại thủa trước, sự thực hành của những môn đồ uyên bác của các ngài và những tuyển tập giáo lý Kinh điển và Mật điển bao la, năm Drupon Jorphel Rinpoche mười sáu tuổi, ngài ao ước được đến Drikung Thil, Kim Cương Tòa thứ hai, là trung tâm đối với Ý nghĩa Cốt tủy của Dòng Thực hành trong Xứ Tuyết và trụ xứ của Đức Gyalwa Jigten Sumgon. Một cuộc du hành như thế cũng là một thông lệ và ngài muốn trung thành với điều đó. Để thực hiện chuyến đi này, ngài đã bất chấp gian khổ và đón nhận những khó khăn. Không quan tâm tới thân mạng, ngài khởi hành qua Kashmir, Ấn Độ, Nepal, Sikkim, Bhutan và Dromolung. Trên đường đi, ngài mặc áo giáp xác tín không khiếp sợ trước bất kỳ điều gì xảy ra như địa hình khắc nghiệt, các sông băng thăm thẳm tận chân trời, những lối đi lởm chởm đá, các vách đứng, những con sông khổng lồ và kẻ cắp. Như thế với hai mươi lăm bạn đồng hành, ngài đã khởi hành để đến nhận các quán đảnh và khẩu truyền Giáo lý Năm Thân. Ngài đến nơi an toàn và xin phép tới Tu viện Drikung Thil lộng lẫy và trở thành một người lão luyện các vũ điệu tâm linh, các giai điệu, tranh vẽ, mạn đà la cát, điêu khắc bơ, các nhạc khí, nghi lễ và Phật sự. 

Ngài gặp Chetsang và Chungtsang, các Kyabgon (đấng Quy y và Bảo hộ), và cũng đi hành hương tới tất cả những thánh địa ở Utsang và quanh vùng Utsang chẳng hạn như Tsukakhang vĩ đại ở Lhasa. Quan trọng hơn nữa là từ Choje Balok Thubten Choedak Rinpoche, một trong ba mươi đệ tử của Đức Jigten Sumgon, ngài nhận khẩu truyền Kinh điển Phật Pháp và những quán đảnh, khẩu truyền và giáo lý nền tảng của toàn bộ những bản văn nghi lễ và thực hành, giống như một chiếc bình trút sang chiếc bình khác. Sau đó ngài tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nhà Ngari ở Drikung Thil và kiên trì thực hành thiền định, giống như cách thức của Đức Atisha xứ Ấn Độ. Trong thời gian này xảy ra những biến động của thời đại, những trận chiến và cách mạng tiếp diễn khiến ngài khó có thể trụ vững. Mặc dù thế, ngài vẫn duy trì phẩm chất của một hành giả và tiếp tục việc nghiên cứu và thiền định với sự xác quyết kiên cố trong chín tháng nữa. 

Sau đó Drupon Jorphel Rinpoche trở về Ladakh và trở thành tổng quản của Tu viện Hensku, một chi nhánh của Yungdrung Tharpa Ling trong ba năm. Đối với mọi người ngài có vẻ là một bậc phi thường tuân giữ nghiêm cẩn định luật nghiệp quả và thực hiện nỗ lực nhanh chóng nhất để làm lợi lạc cho người khác trước khi cho bản thân ngài. Họ khẩn nài ngài làm tổng quản thêm một lần nữa và ngài đồng ý làm thêm hai năm. Về sau ngài trở thành tổng quản của Tu viện Sangngak Choeling ở Bodhkharbu trong ba năm và đã thực hiện những hoạt động rộng lớn. Sau đó, phụ mẫu của ngài qua đời và ngài hiến dâng phụng sự đức hạnh rộng lớn của hai tích tập và đã thực hiện sự hồi hướng và cầu nguyện sâu rộng. 

Vì lợi lạc của Phật Pháp và hạnh phúc của chúng sinh, ngài đi gặp Taklung Tsetrul Rinpoche ở Tu viện Zang Zang Palri tại Chushul. Từ vị Thầy này ngài nhận những quán đảnh, khẩu truyền, giáo huấn cốt tủy cũng như các giáo lý nền tảng Bảy Kho tàng của Longchenpa, Ba Chuỗi Nghỉ ngơi, Ba Chuỗi Tự-giải thoát.

Từ học giả và bậc chứng ngộ Gelong Gyaltsen Rinpoche ở Tu viện Sharkhul Phuntsog Choling ở Ladakh thượng, ngài nhận những lời dạy về nhiều giáo lý y học chẳng hạn như bốn Mật điển y học.

Ngài cũng nhận các giáo lý cikitsavidya (y học) từ bác sĩ Thinle Odzer. Từ Khenchen Noryang Rinpoche, một bậc Thầy đã phổ biến rất nhiều giáo lý Kagyu trong thời đại suy hoại, ngài đã nhận các giáo lý về sách giáo khoa ngữ pháp, Abhisamayalankara (Trang nghiêm Chứng ngộ của Trí tuệ Ba la mật), Uttaratantra (Mật điển Ðại Thừa Tối Thượng), Madyamikaavatara (Nhập Trung Đạo) và v.v… 

Khi đã phát triển mối quan tâm lớn lao trong việc nghiên cứu và thiền định, ngài tới thánh địa Rewalsar, nơi an trú của Khenchen Thupten Choezang Rinpoche, một học giả và bậc chứng ngộ với những phẩm hạnh vô song về kiến thức, sự tận tâm, và tốt lành, bậc soi sáng giáo lý kho tàng phương bắc của truyền thống Mật thừa cổ xưa Dorje Dak. Cùng với hóa thân của Shabtrung Ngawang Namgyal xứ Bhutan, Drupon Jorphel Rinpoche làm hài lòng Khenchen Rinpoche với thân, ngữ, và tâm ngài và nhận nhiều giảng dạy về văn học như ba pho sách giáo khoa về ngữ pháp, thi ca, khoa nghiên cứu về vần luật và hình thức thi ca, các từ đồng nghĩa và cả Giáo pháp về nội khoa chẳng hạn như Cổng vào Kiến thức; Nhập Bồ Tát Hạnh; Pháp Tu Chuẩn bị; Những Câu Kệ Gốc và Luận giảng về sự Trang nghiêm Trung Đạo; Trang nghiêm Chứng ngộ của Trí tuệ Ba la mật, trong thời gian bốn năm.         

Hết sức hài lòng vì bản chất đáng kính của ngài, Khenchen Thupten Choezang Rinpoche nói: “Ta đã phơi bày mọi ngôn từ của trái tim ta cho ông, Sonam Jorphel.” Như thế, ngài hết sức may mắn được nhận nhiều giáo huấn cốt tủy sâu rộng, sự làm thuần thục và giải thoát, cùng với lòng từ ái và thương yêu to lớn.

Có lần trong thời gian này, Drupon Jorphel Rinpoche có việc phải đi Manali. Ngài cư ngụ tại nhà của một gia đình và ban đêm ngài ngủ trong một gian phòng ở tầng trên. Ngài thấy vô số giấc mơ, trong đó có những giấc mơ khác thường nhưng ngài không muốn để lộ ra. Sau này, ngay khi ngài biết là có một đại yogi đang ở tầng dưới, ngài đi gặp vị đó. 

Giây phút ngài nhìn thấy vị yogi, trong lòng ngài dấy lên một cảm giác buồn vui lẫn lộn và lòng sùng mộ không thể tưởng tượng nổi. Ngài tràn ngập niềm vui khi nhìn thấy một Lạt ma đích thực nhưng buồn vì đã tạo nghiệp xấu bởi ngài đã ngủ phía trên Lạt ma trong phòng ở tầng trên. Drupon Jorphel Rinpoche nói rằng ngài khó có thể nói được ngay cả danh hiệu của vị Thủ hộ của các Yogi siêu phàm đó, nhưng nếu ngài làm điều đó thì đó là vì lợi lạc của chúng sinh. Ngài nói yogi đó là Drubwang Konchok Zodpa Gyatso hay Chunga Rinpoche, một hiện thân của Đại Thành tựu giả Dombi Heruka, vị Thủ hộ của các Yogi và là một Viên Ngọc Như ý.

Vào lúc đó, khi Drupon Jorphel Rinpoche cảm thấy một sự sùng mộ trọn vẹn, những tư tưởng tầm thường, khinh xuất hoàn toàn tự ngừng bặt và ngài an trụ trong trạng thái đó một thời gian. Ngài cúi đầu dưới chân Lạt ma và khẩn cầu Lạt ma coi ngài là đệ tử. Lạt ma chấp nhận điều đó và hỏi ngài từ đâu tới. Khi ngài trả lời là từ Ladakh tới, Lạt ma nói: “Ồ! Ồ! Đó là một trùng hợp ngẫu nhiên tương thuộc hết sức tốt lành.” Vị Lạt ma ban cho ngài một ít rượu để uống trong một chén sọ người mà ngài luôn luôn mang theo. Khi ngài uống cạn chén rượu không chút nghi ngờ, vị Lạt ma hết sức âu yếm ban cho ngài một vài giáo huấn cốt tủy và tiên tri: “Hai chúng ta có mối tương thuộc hoàn hảo, ta sẽ gặp lại nhau sau này.” Như thế họ chia tay nhau với sự miễn cưỡng.

Năm ba mươi lăm tuổi, Drupon Jorphel Rinpoche tới Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng). Ở đó ngài gặp Khunu Lama Tenzin Gyaltsen, một yogi ẩn dật vĩ đại, một bậc siêu phàm không-bộ phái tinh thông đại dương các giáo lý Phật giáo và phi-Phật giáo. Khi Drupon Jorphel Rinpoche khẩn cầu vị Thầy này một vài giáo lý, ngài hỏi: “Thầy ông là ai?” Drupon Jorphel trả lời: “Thầy con là Gegen Choszang Rinpoche.” Khunu Rinpoche chắp hai bàn tay và tán thán: “Ngài là một học giả uyên bác và là bậc chứng ngộ.” Khunu Rinpoche dạy Drupon Jorphel Rinpoche luận giảng ngag sgron (Ngọn Đèn Ngôn ngữ) là tác phẩm của ngài và ban cho Drupon Jorphel Rinpoche khẩu truyền byang chub sems bstod (Tán thán Bồ đề tâm), vài hạt giống của cây Bồ đề và các ngài đã cùng nhau thảo luận thật lâu. 

Một đệ tử của Bồ Tát Tenzin Gyaltsen Rinpoche là Drikung Khandro hay Nene Rinpoche; một yogini (nữ hành giả) trong hình tướng con người. Bà nói với Drupon Jorphel Rinpoche: “Ngay bây giờ đây, Dòng Drikung vô cùng suy yếu và bị thiệt thòi. Tôi khẩn nài ngài lưu ý để Dòng Drikung càng lúc càng phát triển hơn và những tổn hại được sửa chữa trong tương lai.” Đặc biệt là bà nói: “Tôi rất hy vọng là ngài sẽ làm lợi lạc Phật Pháp và chúng sinh. Đừng bỏ lỡ điều đó. Đừng bỏ lỡ điều đó.” Đúng như bà đã tiên tri, như một điều rất hiển nhiên đối với chúng ta, hãy nhìn các hoạt động giảng dạy và thực hành của Drupon Jorphel Rinpoche. Những ai là bậc minh triết nhất định sẽ phải chú ý tới những điều này. 

Sau đó, tiên tri của Drubwang Chunga Rinpoche dường như trở thành hiện thực, biểu lộ tính chất không thể sai lạc của mối tương thuộc hoàn hảo nhân và quả. Với những nguyện ước vô song, Ladakh Choeje Togden Rinpoche và Khenchen Konchok Tenzin đồng lòng quyết định thỉnh mời Viên Ngọc Như ý Drubwang Chunga Rinpoche tới Ladakh để có thể thắp lại ngọn lửa sắp tàn của Dòng Drikung. Họ phái Gelong Tsetan tới Himachal, đặc biệt để mời Drubwang Chunga Rinpoche. 

Bởi những nguyện ước và hứa nguyện kiên cố trong quá khứ, Drubwang Chunga Rinpoche đã hết sức ân cần chấp thuận lời cầu thỉnh và tới Chusul ở Ladakh, chỉ vì lợi lạc của các giáo lý vô cùng quý báu của Dòng Thực hành mà ngài không ngừng ấp ủ trong tim. 

Khi Drubwang Chunga Rinpoche đã có mặt ở Ladakh, Choeje Togden Rinpoche chỉ định một vài tu sĩ nhập thất và đặc biệt là đã gọi Drupon Jorphel Rinpoche lại và thuyết phục ngài thực hành trong ẩn thất để truyền bá yếu nghĩa của Dòng Thực hành. 

Vào lúc đó, ngài nghĩ rằng đã tới thời điểm ngài đặc biệt ao ước để kiên nhẫn trong việc thực hành yếu nghĩa và cũng có thể mang lại lợi lạc cho Phật Pháp và chúng sinh. Vì thế Drupon Jorphel Rinpoche tự quyết định và đồng ý với lời khẩn cầu của Choeje Togden Rinpoche. Phương tiện sinh sống của  Drupon Jorphel Rinpoche trong thời gian nhập thất sẽ được bảo trợ bởi Chushul Meme Gawa Tsang, Lhobzur Konchok Gyatso - bạn ngài - và mẹ của ngài. Ngoài ra, bản thân Drupon Jorphel đã chữa trị cho một vài bệnh nhân và kiếm được một ít tiền.  Như thế phương tiện sinh sống trong thời gian nhập thất của ngài được sắp xếp một cách tự nhiên.

Khóa nhập thất đầu tiên được thực hiện ở Zang Zang Palri tại Chushul, nơi một đệ tử thiết lập một tu viện theo tiên tri của Guru là ngài Kyabgon Thugje Nyima.    Khóa nhập thất này gồm có Drupon Jorphel Rinpoche và các bạn đồng tu của ngài như Lhobzur Konchok Gyatso, Lhobzur Konchok Tenzin, Gelong Tseten, Gelong Choejor, Gezur Konchok Thusten, Uzur Konchok Dorje, Dezur Konchok Lhundup, Gelong Gatsul, Gelong Trimten và Amje Rabten.   

Tại Zang Zang Plari ở Chushul, Drubwang Chunga Rinpoche đã giảng dạy các giáo lý tổng quát như Pháp Bảo của sự Giải thoát; Chuỗi Ngọc của Con Đường Siêu việt; Hai Luận giảng của Gongchik; Ba mươi bảy Thực hành của các Bồ Tát.     

Ngài cũng dạy các giáo lý về thực hành thiền định như Quán đảnh và Thực hành pháp Trường thọ; Năm nhánh Đại Ấn; Các Câu Kệ Kim cương của Dòng Lắng nghe; Mật điển Sánh tợ Không gian; Đại Ấn Sông Hằng; Dòng Lắng nghe của Milarepa. Như thế, Drupon Jorphel Rinpoche cùng mười một hành giả đầy đủ phẩm tính đã nhận những quán đảnh, khẩu truyền và giáo huấn cốt tủy làm thuần thục và giải thoát phù hợp với các giai đoạn của con đường. Các ngài đã nhất tâm nhẫn nại trong việc nghiên cứu và thực hành, giương cao ngọn cờ giáo lý chiến thắng của các Đạo sư siêu phàm thủa trước của Dòng Thực hành trên chóp đỉnh của ba cõi và làm cho giáo lý của Đức Phật lan rộng khắp muôn phương. 

Lần thứ hai, Drupon Jorphel Rinpoche nhập thất tại Lamayuru hay Dansa Chenpo Yungdrung Tharpa Ling, một địa điểm phi thường, nơi nhiều bậc siêu phàm như A La Hán Nyimagungpa và Đại Thành tựu giả Naropa v.v.. đã viếng thăm. Lần này Drubwang Chunga Rinpoche có mười lăm đệ tử trong đó có Đức Drikung Kyabgon Chetsang. 

Khi đã tới lúc Lạt ma Drubwang Chunga Rinpoche thị tịch vì lợi ích của chúng sinh, người duy nhất mà Lạt ma có thể tin tưởng được là Drupon Jorphel Rinpoche. Ngài được ban một vài giáo huấn cốt tủy dưới hình thức di chúc của Lạt ma. Sợ rằng các giáo huấn cốt tủy có thể trở thành sự cường điệu và phỉ báng, ngài đã gìn giữ chúng ở tận đáy lòng mình. Drubwang Chunga Rinpoche nắm tay Drupon Jorphel Rinpoche trong bàn tay phải của mình và nói: “Hãy thực hành theo cách ta đã dạy cho con. Ta hiểu niềm vui và nỗi buồn của con. Nhờ Bổn tôn và Lạt ma, hành giả không bao giờ bị sai lạc.” Sau này, Drubwang Chunga Rinpoche ra lệnh: “Bây giờ con cũng hợp nhất với ta và hãy tụng ‘Gọi thầy Từ Xa.’” Trong khi hai Thầy trò đang tụng ‘Gọi Thầy Từ Xa’, Lạt ma cầm tay Drupon Jorphel Rinpoche bằng bàn tay phải và nói “Shewe Lodro Khenno!” Rồi với đôi mắt mở lớn đăm đăm nhìn lên không trung, Lạt ma nhập Niết bàn. 

Các đệ tử chìm đắm trong buồn đau và được hướng dẫn thực hiện các tang lễ thích hợp. Một hội nghị được tổ chức trong mọi đệ tử và những người đồng lòng tuân theo lời dạy của Lạt ma Tôn quý. Đức Drikung Kyabgon cũng khuyên rằng cách hay nhất là thực hành pháp trường thọ và duy trì việc thực hành cá nhân trong các phòng nhập thất thích hợp. 

Đúng như Drubwang Chunga Rinpoche đã dự định, Drupon Jorphel Rinpoche ban các quán đảnh, khẩu truyền và giáo huấn cốt tủy cho những hành giả sau đây: Khenchen Konchok Gyaltsen, Gelong Tashi Gyatso quá cố, Gelong Konchok quá cố, Lobzur Tondup, Drupon Sonam Kunga, Gelong Tsering, Drupon Chamba Rigzin, Drupon Konchok Samten, Gelong Paldan, Lama Konchok Tharchan, Gelong Dawa, Nangchen Gelong Tsulten, Gelong Samtan, Lhopon Tondup – người anh quá cố của Drupon Jorphel Rinpoche.

Sau này, Đức Drikung Kyabgon Chetsang, vị kế thừa giáo lý của Gyalwa Drikungpa tượng trưng cho trái tim của Dòng Ý nghĩa, với bản tánh tự nhiên của một đấng siêu phàm, đã làm vui lòng thân, ngữ và tâm của Drupon Jorphel Rinpoche và nhận các giáo huấn cốt tủy dành cho thiền định về Lạt ma như Pháp Thân v.v.. cho tới thực hành hồi hướng. Đức Drikung Kyabgon Chetsang cũng nhận các quán đảnh, khẩu truyền và giáo huấn cốt tủy Vajrayogini, phù hợp với lời dạy của Lạt ma cùng với Sáu Yoga của Naropa và những bài tập du già và v.v…Những giáo lý này được từ từ dâng lên Đức Drikung Kyabgon Chetsang, phù hợp với lời dạy của các Đạo sư thủa trước của Dòng Kagyu.

Trước đó, Drupon Jorphel Rinpoche làm thị giả khi Đức Drikung Kyabgon Chetsang thực hiện các trì tụng thiền định trong trụ xứ chính của ngài tại Yungdrung Tharpaling, kế đó là một vài giáo huấn cốt tủy được Drubwang Chunga Rinpoche dâng cho Đức Chetsang Rinpoche.     

Tóm lại, Lạt ma và các đệ tử đã duy trì samaya (hứa nguyện) kiên cố hơn một cái nút vàng; đã thực hành con đường hai giai đoạn; nghiên cứu và giảng dạy bốn bộ tantra (Mật điển); ngăn ngừa việc biến mất của dòng quán đảnh không khiếm khuyết và không bao giờ đánh mất sự chính xác trong thực hành của Đạo sư thủa trước của Dòng Thực hành. Không chút sai lầm trong cái thấy (kiến), thiền định (thiền) và hành động (hành), các ngài nghiên cứu và thực hành đại dương giáo lý gắn liền với Mật thừa vĩ đại. 

Trong mọi lúc, các ngài đã bảo tồn trong giai đoạn phát triển, các trì tụng thiền định và giai đoạn thành tựu và đã xem thân thể mình như thân của Bổn tôn, ngữ như các thần chú và tâm như sự hợp nhất của đại lạc và tánh Không một cách tương ứng, hoàn toàn phù hợp với các giáo huấn cốt tủy của các Đạo sư siêu phàm của Dòng Thực hành, là tập hội kiệt xuất nhất đã đáp ứng mọi ước nguyện của bản thân và chúng sinh.   

Đối với nhóm hành giả được đề cập ở trên,  Drupon Jorphel Rinpoche đã ban các quán đảnh, khẩu truyền và giáo huấn cốt tủy Vajrayogini và Sáu Yoga của Naropa, kể cả các giáo lý nền tảng, hoàn toàn phù hợp với phương pháp của Lạt ma siêu phàm. Vì lợi ích của Phật pháp và chúng sinh, ngài đã biểu thị những hoạt động vĩ đại đáng kinh ngạc như đề xướng việc hồi sinh các giáo lý truyền dạy và chứng ngộ nói chung và một lần nữa truyền bá các giáo lý của Gyalwa Drikungpa nói riêng. Như thế, ngài đã bảo tồn các kỹ thuật của Đạo sư thủa trước của Dòng Thực hành, là dòng truyền thừa như sợi xích vàng không có những vết nhơ của các vi phạm samaya. Những lợi lạc to lớn được thành tựu bởi các đệ tử phi thường như thế, là các bậc hộ trì, bảo tồn và truyền bá Kinh điển và Mật điển cùng những luận giảng được mô tả rõ ràng trong các Kinh điển và Mật điển, và vì thế tôi không ghi lại những điều đó ở đây.   

Drupon Jorphel Rinpoche đã nhận kho tàng bao la giáo lý của Đức Phật, các quán đảnh, khẩu truyền và giáo huấn cốt tủy, kể cả các giáo lý nền tảng cũng như nhiều giáo huấn sâu rộng như khrid yig yeshes blama của Đức Dilgo Khentse Rinpoche, hiện thân của Đức Liên Hoa Sanh và vị lãnh đạo tâm linh của truyền thống Cựu Dịch. Ngài đã nhận Kho tàng Quý báu các giáo lý-kho tàng (terma) từ Đức Kyabje Drubwang Penor Rinpoche. Ngài đã nhận nhiều quán đảnh, khẩu truyền và giáo huấn cốt tủy từ Taklung Matrul Rinpoche, Shabtrung Rinpoche, Đức Kyabje Dudjom Rinpoche, Đức Karmapa Thứ 16 Rigpe Dorje, Đức Đạt Lai Lạt Ma, biểu tượng của nền hòa bình thế giới và vị thủ hộ của trời và người, và nhiều Lạt ma chân chính khác. Về tên của những giáo lý này, quý vị có thể tham khảo danh mục các giáo lý ngài đã thọ nhận. Bởi không đủ thời gian, tôi không liệt kê các giáo lý đó ở đây và xin tạ lỗi về điều đó. 

Những Hoạt động Rộng lớn của Rinpoche để Truyền bá Phật pháp 

Từ năm 1983, Drupon Jorphel  đã du hành tới nhiều quốc gia. Ngài đã thiết lập nhiều trung tâm Giáo Pháp như Drikung Tahijong ở Đức, Drikung Phuntsogling tại Áo và trung tâm Giáo Pháp Drikung Kagyu ở Nga và bằng cách chuyển Pháp luân, ngài đã giúp cho nhiều người chuyển tâm về Pháp. Trong số các đệ tử của ngài, nhiều người là những đại thí chủ của Giáo Pháp. Những người thượng căn đã đạt được giải thoát trong đời này. Những người trung căn đạt được giải thoát vào lúc chết và những người hạ căn đạt được giải thoát trong trạng thái trung ấm. 

Trong số các đệ tử hiện tại của ngài có Tara ở Áo và Ngakpa Rinchen Phuntsok là những người đã hiến dâng toàn bộ đời mình cho việc phụng sự Drupon Jorphel Rinpoche. Đa số các đệ tử của ngài thuộc các truyền thống Sakya, Gelug, Kagyu và Nyingma cũng như ở Ấn Độ, Trung quốc, Nepal và Tây Tạng, là những người tìm kiếm sự toàn giác, nỗ lực nghiên cứu và thực hành Pháp và bước đi trên con đường tam học (Giới, Định, Huệ) và nghiên cứu Tam Tạng Kinh điển (Kinh, Luật Luận). Ngay cả một kẻ ngu si như bản thân tôi cũng đã để ý xem làm thế nào hầu hết đệ tử của ngài nhẫn nại liên tục, cả ngày lẫn đêm, trong việc thực hành Pháp bằng cách cưỡi trên con ngựa trí tuệ và đốc thúc nó gia tăng tốc độ bằng chiếc roi da của sự nỗ lực tinh tấn. 

Ngoài ra, Drupon Jorphel Rinpoche đã du hành khắp thế giới, ở những quốc gia như Hoa Kỳ, Thụy sỹ, Đài Loan, Mã Lai và Nga và mang lại nhiều lợi lạc cho tất cả chúng sinh bằng cách xoay chuyển tâm họ về Pháp. Tôi đề nghị các bạn xem video để hiểu thêm về những hoạt động soi sáng toàn thể ba cõi của ngài. 

Vào năm 2000, trong Khóa Giảng Năm Tỵ tại Jangchub Ling, Ấn Độ, Drupon Jorphel Rinpoche đã thực hiện một công hạnh bố thí vĩ đại bằng cách ban Giáo Pháp như-cam lồ là bảy Mật điển của Ngok Lotsawa, chẳng hạn như Hey Vajra, cùng nhiều sadhana (nghi quỹ) và những luận thuyết, cho một tập hội hơn một ngàn tu sĩ, trong đó có nhiều Khenpo và Tulku.   

Để không phí phạm những hiến cúng nhận được ở ngoại quốc, Drupon Jorphel Rinpoche đã sử dụng chúng để thiết lập các trường Phật học và các trung tâm thiền định và xây dựng các biểu trưng của thân, ngữ và tâm theo cách thức sau đây:   

Để tổ chức các Đại lễ Cầu nguyện bất bộ phái hàng năm ở Ladakh, ngài đã hiến tặng tận tay Chủ tịch Wangchuk số tiền 7.000.000 ru-pi. Bằng cách tạo điều kiện thuận tiện cho việc tổ chức Đại lễ Cầu nguyện được toàn hảo, việc này mang lại một lợi lạc to lớn cho Phật pháp và chúng sinh. Ngoài ra, ngài đã hiến tặng hàng trăm và hàng ngàn ru-pi để làm quỹ xây mới các tu viện của mọi tông phái.   

Tại Bodkharbu, ngài đã hiến tặng 8.000.000 ru-pi cho quỹ xây dựng dinh thự cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. 

Ngài đã tặng 400.000 ru-pi cho Tu viện Gangngon Tashi Chedzong để thực hiện nghi lễ kun rigs (sarvavid) và Một Trăm Triệu Trì tụng Thần chú Mani hàng năm.     

Ngài đã tặng một Thanka (tranh cuộn Tây Tạng) thêu khổng lồ và sáu mươi tượng mạ vàng của chuỗi vàng các Đạo sư Kagyu kể cả những chất thể linh thiêng cho Tu viện Yungdrung Tharpa Ling. 

Ngài đã tặng trọn bộ Bản dịch Giáo lý của Đức Phật và 100.000 ru-pi cho Tu viện Shachul Phuntsok Choeling. 

Ngài đã tặng 100.000 ru-pi cho Sani Gonpa tại Zangskar. 

Ở Đề Li, ngài đã khai mạc Đề án Bản văn Drikung Kagyu, là đề án đã in ấn nhiều tác phẩm quan trọng. 

Dinh thự của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Bodkharbu là một mô hình của Yumbu Lhakhang ở Tây Tạng. Trong lễ khánh thành dinh thự này, Đức Đạt Lai Lạt Ma vô cùng hoan hỉ và với thiện tâm to lớn, ngài đã ban nhiều giáo lý sâu xa. Trong bài diễn văn, Đức Đạt Lai Lạt Ma hứa sẽ viếng thăm nơi đây một lần nữa. Là những hoạt động vĩ đại đã thực hiện được, dinh thự giống như một vật trang hoàng tuyệt đẹp để nhân dân Ladakh tích tập công đức mới.   

Ngoài ra, Drupon Jorphel Rinpoche đã thành lập các ni viện và trung tâm nhập thất mới; hiến cúng rộng rãi cho Drikung Thil, Kim Cương Tòa thứ hai; cúng dường một trụ xứ và các vật thể tượng trưng cho thân, ngữ và tâm của Đức      Drikung Kyabgon Chungtsang, vương miện của toàn bộ dòng Dagpo Kagyu, vị lãnh đạo của toàn thể chúng sinh, bậc chỉ ra con đường siêu việt và đại diện của Đấng Chiến Thắng. Thêm nữa, Drupon Jorphel Rinpoche đã thực hiện những công hạnh bố thí vĩ đại cho nhiều tu viện và cộng đồng Drikung Kagyu. Tại Ngari, Tây Tạng, ngài đã giúp tái thiết tu viện Gyandrak và bảo trợ việc cung cấp thực phẩm cho các tu sĩ. 

Tại Nepal, ngài đã thiết lập một trung tâm nhập thất tại Tatopani và Tổ chức Drikung Kagyu Dharamraja Foundation, trụ xứ của khoảng một trăm tăng sinh và thầy giáo của họ. Ngài có kế hoạch thiết lập một Học viện biện chứng trên ngọn đồi thiêng phía sau Đại Bảo Tháp Syambunath.   

Dựa trên bản chi tiết kỹ thuật được thiết lập, ngài đang xây dựng nhiều bảo tháp chứa đầy những chất thể xác thực:

Việc xây dựng một trung tâm nhập thất và một Đại Bảo Tháp Liên Hoa đang tiến hành tại Lâm Tì Ni, để tưởng nhớ Đạo sư Vô cùng Thiện xảo và Đại Bi của chúng ta, Đấng Toàn Giác, Quốc Vương vô song của bộ tộc Thích Ca. 

Ngài cũng xây dựng một Bảo Tháp Thuận Hòa ở Đức; một Bảo Tháp Chiến Thắng Không Chướng ngại tại Áo; một Bảo Tháp Giáng Thế ở Nepal tại Đại Bảo tháp Swyambhunath; một Bảo Tháp Giác ngộ tại Tatopani; một Bảo Tháp Thuận Hòa tại trung tâm nhập thất ở Lamayuru như các món cúng dường cho Drubwang Chunga Rinpoche; một Bảo Tháp Giác ngộ và các pho tượng của Đức Văn Thù, Kim Cương Thủ và Quán Thế Âm tại Henassku; một Bảo Tháp Giác ngộ và các pho tượng của Đức Văn Thù, Kim Cương Thủ và Quán Thế Âm tại Shachukul; một Đại Bảo Tháp Liên Hoa tại Pithodgar ở bắc Ấn Độ và một Bảo Tháp Giác ngộ như món cúng dường cho Thupstan Choszang Rinpoche, trong mộ địa vĩ đại tại Sani, Zangskar, nơi vị Thầy này viên tịch.     

Drupon Jorphel Rinpoche cũng liên tục truyền bá các thiền định và trì tụng trong bốn thời khóa. Như thế ngài phụng sự như một sứ giả làm chói ngời các hoạt động vĩ đại để truyền bá và thâm nhập khắp ba cõi. Như đã đề cập ở trên, ngài là một đệ tử đích thực của Drubwang Chunga Rinpoche, đã thực hiện mọi sự phù hợp với lời dạy của Lạt ma. Nhờ bản chất và sự hiến dâng toàn hảo cho Phật pháp và chúng sinh, ngài đã thiết lập các tu viện như những biểu trưng cho thân Phật; các thư viện giáo lý của Đức Phật và những luận giảng như các biểu trưng cho ngữ Phật; các Học viện biện chứng và trung tâm nhập thất cùng những cộng đồng tâm linh như những biểu trưng cho tâm Phật. Ngài là một thiện tri thức đích thực hiện diện trong cuộc đời như sự vinh quang và vị thủ hộ của Phật pháp và chúng sinh với thân tướng vĩ đại chói ngời, ngôn ngữ lộng lẫy không mỏi mệt và tâm thức bất biến trong sự xả bỏ hoàn hảo. 

Nguyên tác: “Most Venerable Drupon Sonam Jorphel Rinpoche”
www.drikung.org/index.php?option=com_content&view=article&id=90...202

Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên