Sách Phật nói 37 phương pháp, cấu thành con đưòng đạo này, gọi là 37 đạo phẩm, cũng gọi là 37 phần Bồ đề (Bồ đề phần). Cụ thể là Bốn niệm xứ, Bốn Chánh cần, Bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám con đường đạo (Bát chánh đạo). Nay sơ lược giải thích như sau:
1. Bốn Niệm xứ:
Cũng gọi là bốn niệm trú, tức là mục chánh niệm trong Bát chánh đạo, Bốn niệm xứ là bốn đối tượng của tư duy và quan sát không bao giờ quên. Ðó là thân (kaya), thọ (vedana), tâm (citta), và pháp (dhamma). Luôn luôn nhớ thân, cảm thọ, tâm và các pháp đều là vô thường, khổ và vô ngã. Nếu phân biệt thì quan sát thân là không trong sạch, mọi cảm thọ là khổ, tâm là vô thường, và mọi pháp là vô ngã, không thực thể.
Theo kinh tạng nguyên thủy, thì bốn niệm xứ là con đường độc nhứt (ekayana magga), đưa người tu hành đến sự giáe ngộ và giải thoát hoàn toàn.
2. Bốn chánh cần:
Trong Bát chánh đạo, gọi là Chánh tin tấn (sách Hán còn gọi là Tứ chánh đạo, tứ chánh thắng, tứ ý đoạn). Gồm có bốn mục là:
a. Ðoạn trừ điều ác đã khởi lên.
b. Gắng sức để cho điều ác mới không sinh ra.
c. Gắng sức để cho điều thiện mới được sinh ra.
d. Nổ lực để cho điều thiện đã khởi lên được tăng trưởng.
Thiện ở đây là mọi cái gì lợi cho lý tưởng tu đạo, và ác là mọi cái gì trở ngại cho lý tưởng tu đạo. Cho nên, theo quan niệm đạo Phật mà nói nỗ lực làm ác, chính là lười biếng chứ không phải là tinh tấn siêng năng.
3. Bốn thần túc :
Sách Hán cũng gọi là tứ như ý túc, là bốn điều như ý được đầy đủ. Ý tứ là muốn có phép thần thông đầy đủ, thì học tập bốn phương pháp này, tức là:
a. Dục thần túc: tức là lòng muốn có được thiền định.
b. Tinh tấn thần túc: nỗ lực để có được thiền dịnh.
c. Tâm thần túc: tức là nhiếp tâm đầy đủ để có được thiền định.
d. Tư duy thần túc : tức là để có thiền định, phải biết tư duy quan sát.
(Có sách gọi tứ như ý túc hay tứ thần túc là:
a. Dục thần túc,
b. Niệm thần túc,
c. Tinh tấn thần túc,
d. Tuệ thần túc. )
4. Năm Căn:
Tức là Tín, lòng tin. Cần là tinh tấn, Niệm là nghĩ nhớ điều phải (chơn lý), như lý vô thường, vô ngã... Ðịnh và Tuệ. Gọi năm mục này là năm căn tức là năm cái gốc để cho người tu tiến tới mạnh mẽ trên con đường đạo. Trong năm cái gốc này thì tín (S.Saddha P.Sraddha) đứng hàng đầu, vì lòng tin chân chánh và chân thành là động lực của mọi nỗ lực tu đạo và hướng thiện tránh ác.
Nên phân biệt năm căn tín ... với năm căn mắt, tai,.. (năm căn này thường gọi là năm căn năng).
5. Năm Lực :
Năm căn nói trên, khi dược phát huy thì biến thành năm sức mạnh, tức năm lực.
6. Bảy giác chi :
Thất giác chi, sách Hán cũng dịch là Thất Bồ Ðề phần, bảy phần Bồ đề, hay Thất giác phần, tức là bảy chi phần của giác ngộ.
a. Niệm giác chi: sati-samboijhanga
b. Trạch pháp giác chi: dhammavicayasamb jjhanga, tức là biết lựa chọn phải, trái, chân ngụy, thiện ác...
c. Tinh tấn giác chi s. viriya s. nỗ lực hướng tới giác ngộ.
d. Hỷ giác chi s.piti. lòng hoan hỷ (trong tu đạo và độ sanh).
e. Khinh an giác chi s. passaddhi. Kinh A Hàm gọi là Ỷ giác chi, tức thân tâm nhẹ nhàng, khinh khoái.
f. Ðịnh giác chi s. samadhi.
g. Xả giác chi s. upekkha.
Trên đây là bảy hạng mục tu hành, có liên hệ đến thiền dịnh. Trong kinh tạng Nguyên thủy, sau khi thực hành phép anapanasati (niệm hơi thở ra vào) để thành tựu sự thống nhứt nội tâm, hành giả tu sang phép bốn niệm xứ, và bảy giác chi mà được giác ngộ, giải thoát. Như vậy, có thể thấy bảy giác chi là những mục tu hành cao cấp trên con đường tu đạo.
7. Bát chánh đạo:
Bát chánh dạo tức là tám con đường đạo hay là con đường đạo tám nhánh.
a. Chánh kiến: samma-ditthi, tức là kiến giải chính xác, tín ngưỡng chính xác.
b. Chánh tư duy: samma-sankappa. Tư duy và lập chí chính xác đúng đắn.
c. Chánh ngữ: samma-vaca, tức không nói dối, không nói lời ác, không nói chia rẽ, không nói lời vô nghĩa. Trái lại, chỉ nói lời chơn thực, lời dịu hiền, lời đoàn kết, lời có ích đối với người nghe.
d. Chánh nghiệp: samma-kammanta, tức là các hành vi không sát sanh, không lấy của không cho, không tà dâm.... thực hành việc tôn trọng sự sống, bố thí, sống trong sạch không trái đạo lý.
e. Chánh mạng: samma-ajiva, tức là sống bằng nghề nghiệp chính đáng lương thiện. Nói rộng ra, tức là theo một nề nếp sinh hoạt lành mạnh, giúp cho sức khỏe, tăng năng suất lao dộng, khiến thân tâm luôn được thư thái, nhẹ nhàng.
g. Chánh tinh tấn: samma-viriya, nỗ lực chính đáng, hướng tới lý tưởng của đạo, siêng làm điều thiện, siêng trừ bỏ ác.
h. Chánh niệm: samma sati, nghĩ nhớ không quên, lý tưởng tu đạo, tỉnh táo, cảnh giác dù là trong những việc nhỏ, đừng để phạm lỗi, vì những lỗi nhỏ có thể đem lại hậu quả tai hại lớn. Luôn luôn nghĩ nhớ: các pháp là vô thường, vô ngã, mọi cảm thọ đều là khổ, không được mê đắm.
i. Chánh định: samma-sammadhi, người tu đạo hằng ngày có gắng giữ tinh thần an tịnh, tư tưỏng tập trung không tán loạn thì mọi việc làm mới mong có kết quả như ý. Ngoài ra, người tu đạo cũng tu tập thiền định, mong đạt tới một nội tâm trong sáng thuần tịnh như gương, không còn niệm, không còn tưởng.
BÁT CHÁNH ÐẠO VÀ BA MÔN HỌC GIỚI, ÐỊNH, TUỆ
Bát chánh đạo thực ra là một thể thống nhứt, sở dĩ chia ra tám hạng mục là để cho tiện thuyết minh, giảng giải mà thôi. Phật giáo Nam phương thuyết minh mọi quan hệ giữa Bát chánh đạo và ba môn học như sau:
Chánh kiến và Chánh tư duy... Tuệ học
Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng... Giới học.
Chánh tinh tấn... thông cả ba môn học.
Chánh niệm, chánh định... Ðịnh học.
Về chánh tinh tấn, có sách quy về định học, có sách quy vào tuệ học- Thứ tự tu học các hạng mục trong Bát chánh đạo như thế nào?
Theo logic, thì phải là thứ tự giới, định, tuệ. Thế nhưng trong bát chánh đạo, lại sắp xếp: Tuệ, giới, định, vì sao?
Thực ra sau tám mục còn có hai hạng mục nữa là Chánh trí và chánh giải thoát, tổng hợp lại thành 10 pháp vô lậu học.
Chánh trí và chánh giải thoát thuộc về tuệ học. Như vậy, thứ tự logic của 10 pháp vô lậu học là tuệ, giới, định, tuệ.
Hai mục chánh tri kiến và chánh tư duy thực ra là chánh tín đối với những người mới nhập môn. Do đó, toàn bộ thứ tự sẽ là:
Tín – Giới – Ðịnh – Tuệ.
QUAN HỆ GIỮA 37 PHẨM BỒ ÐỀ VÀ BA MÔN HỌC
Tín căn và tín lực không cho cả ba môn giới, định, tuệ. Vì tất cả mọi pháp tu hành đều xuất phát từ niềm tin (tín) dựa vào chánh tri kiến và chánh tư duy. Niệm căn, niệm lực, niệm giác chi đều thông cả định học và tuệ học.
Giới: Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.
Ðịnh: Bốn như ý túc, định căn, định lực, định giác chi, xả giác chi, chánh định.
Tuệ: Bốn niệm xứ, bốn chánh cần, tinh tấn cán, tuệ căn, tinh tấn lực, tuệ lực, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, chánh kiến, chánh tư duy, chánh tinh tấn.
V. BA MÔN HỌC (Tam học)
V.1. GIỚI HỌC:
Giới học tức là môn học đạo đức Phật giáo, hay là luân lý Phật giáo.
Nghĩa từ Giới: Giới, chữ Sanskrit là Sila. Giới là các khuôn mẫu ứng xử, phòng sai, tránh ác của đạo Phật.
Các loại giới: giới ngăn điều ác gọi là chỉ ác giới. Chỉ có nghĩa là ngăn chặn. Cũng gọi là luật nghi Samvara.
Có hai loại giới: Giới hữu lậu thế gian và giới vô lậu xuất thế.
Bộ phận hữu lậu giới gọi là Biệt giải thoát luật nghi, giúp cho người tu hành hướng thiện, tránh ác ở cõi Dục giới, đồng thời cũng hướng tới giải thoát.
Bộ phận hữu lậu giới, gọi là Tĩnh lự luật nghi, giúp cho hành giả mau chứng các cấp thiền thuộc sắc giới.
Giới xuất thế gọi là luật nghi vô lậu.
Biệt giải thoát luật nghi lại chia thành giới tại gia và giới xuất gia. Giới tại gia gồm có 5 giới ưu bà tắc và ưu bà đi, hằng ngày cần giữ gìn không phạm, và tám giới cần giữ, trong các ngày gọi là Bát trai.
Giới xuất gia gồm có 250 giới của Tỳ Kheo, 348 giới của Tỳ Kheo ni, 10 giới của Sadi, 6 giới của chánh học nữ.
Ưu bà tắc là chữ Phạn Upasaka. Hán dịch nghĩa là cận sự nam.
Hữu lậu giới | Biệt giải thoát luật nghi (dục giới) | |
Chỉ ác giới | Tĩnh lự luật nghi (sắc giới) | |
Vô lậu giới | Vô lậu luật nghi (xuất thế gian) | |
Giới tại gia | 5 giới Ưu bà tắc, Ưu bà di | |
Biệt giải thoát | 8 giới trong các ngày trai | |
luật nghi | Giới xuất gia | 10 giới cho sadi và sadi ni |
6 giới cho chánh học nữ | ||
250 giới cho Tỳ kheo | ||
348 giới cho Tỳ kheo ni |
Thế nhưng, tác dụng của giới cũng không phải chỉ là tránh ác, mà còn là hành thiện nữa. Giới làm điều thiện còn gọi là tác trì giới, hay tác thiện giới.
Giới và Luật:
Giới tương đương với đạo đức. Luật tương đương với pháp luật. Giới có ý nghĩa rộng hơn, so với luật Giới là những điều mình giữ cho bản thân mình, nó thuộc về tinh thần, về nội tâm. Còn luật là điều mình giữ vì người khác, vì xã hội. Tuy nhiên trong sách thưòng dùng hai từ này đi kèm với nhau, như trong hợp từ quen thuộc Giới Luật, vì không có ranh giới phân biệt rõ ràng giữa hai từ.
Về sự thành lập Luật tạng:
Luật tạng được kết tập ở cuộc đại hội kết tập lần thứ nhứt, ở thành Vương Xá, vài tháng sau khi Phật Niết Bàn. Người kết tập luật tạng là tôn giả Upali, trong thời Phật còn sống vốn được ca ngợi là “Giới luật đệ nhứt”.
Luật tạng, sau khi kết tập, dần dần được hoàn chỉnh và được định hình trong các bộ luật của các bộ phái. Như đã nói trên, luật tạng bao gồm hai nhóm giới luật chính là chỉ trì giới (tránh điều ác) và tác trì giới (làm điều thiện), ứng với hai câu kệ nổi tiếng của Chư Phật.
Chư ác mặc tác
Chúng thiện phụng hành
Dịch:
Chớ làm các điều ác,
Làm mọi điều lành
Chỉ trì giới: gồm 250 giới cho Tỳ Kheo và 348 giới cho Tỳ Kheo ni. Tùy theo các bộ phái mà con số giới luật có xê xích khác nhau, nhưng mức độ xê xích không lớn. Trong luật tạng, có phần phân biệt chú giải các giới điều, gọi chung là kinh Phân biệt, P.Suta vibhanga.
Tác trì giới: gồm các quy định sinh hoạt của tăng đoàn, như quy định về cách thức thọ giới của người xuất gia, về tổ chức tụng giới (Bồ tát) tổ chức an cư kiết hạ, ngày tự tứ, một số quy định về ăn, mặc, ở của tu sĩ, kèm theo phần chú thích những quy định này. Cả phần này gọi là kiền độ (khandhaka). Ngoài hai phần trên, trong luật tạng còn có một phần phụ lục, gọi là phụ tùy (parivara).
Như vậy luật tạng Pali (Thượng tọa bộ) cũng như luật tạng các bộ phái khác bao gồm 3 bộ phận:
(1) Kinh phân biệt: giới điều cho Tỳ Kheo và Tỳ Kheo ni, bao gồm cả chú giải.
(2) Kiền độ: quy định cách thức sinh hoạt cho tăng đoàn, đại phẩm và tiểu phẩm, gồm 22 kiền độ.
(3) Phụ tùy.
Nói chung, luật tạng (bất cứ thuộc bộ phái nào) đều do ba bộ phận trên tạo thành. Hiện nay, còn giữ lại được 5 bộ luật tạng:
1. Luật tạng Pali, thuộc Thượng tọa bộ của Phật giáo Nam Phương.
2. Ngũ phần luật : thuộc Hóa địa bộ (tên một bộ phái Phật giáo).
3. Tứ phần luật : thuộc Pháp tạng bộ.
4. Ma ha tăng kỳ luật : thuộc Ðại chúng bộ.
5. Thập tụng luật : Nhất thiết hữu bộ.
6. Hữu bộ tân luật : Căn bản nhứt thiếu hữu bộ.
7. Luật tạng bằng chữ Tây Tạng : Căn bản nhứt thiết hữu bộ.
(Hóa địa bộ, Pháp tạng bộ, Ðại chúng bộ, Nhất thiết hữu bộ, là tên của một số bộ phái quan trọng, xuất hiện trong thời kỳ Phật giáo bộ phái, khoảng 200 năm sau khi Phật Niết Bàn. Vì từ bộ phái Nhất thiết hữu bộ tách ra một số bộ phái khác, cho nên bộ phái gốc sau này được gọi là căn bản nhất thiết hữu bộ).
Trong 7 bộ luật được lưu lại hiện nay, và có ghi tên trên đây thì hai bộ thứ sáu và thứ bảy giống nhau, chỉ có khác là bộ luật thứ 6 (thập tụng luật) là một bộ luật không hoàn chỉnh của Hữu bộ. Còn bộ thứ bảy, dịch ra chữ Tây Tạng là một bộ luật hoàn chỉnh và đầy đủ của Hữu bộ. Luật tạng là văn bản cơ sở để quy định sinh hoạt của tăng đoàn. Hiện nay, sinh hoạt của tăng đoàn Phật giáo Nam Phương hoàn toàn dựa vào bộ luật tạng của Thượng tọa bộ. Ở Trung Quốc vào đời Đưòng, tăng sĩ Ðạo Tuyên ở Nam Sơn, lập ra luật tạng, là dựa vào bộ luật Tứ phần của Pháp Tặng bộ. Vì vậy tông phái của ông cũng có tên gọi “Tứ phần luật Tông”.
Các giới điều của Tỳ Kheo và Tỳ Kheo ni được xếp làm 8 loại như sau :
(1) Ba la di: S. Parajaka là giới điều quan trọng nhứt của Tỳ Kheo, người phạm lỗi Ba la di lập tức mất tư cách tăng sĩ vì vậy mà Trung Quốc dịch nghĩa là đoạn đầu, nghĩa là chém đầu. Cũng như ở ngoài đời, nếu phạm tội cực nặng thì bị chém đầu Ðó là các tội: dâm dục, trộm cắp, giết người, đại vọng ngữ (chưa chứng quả Thánh mà dám tuyên bố đã chứng).
(2) Tăng tàn : S.Sanghavasera P.Sanghade sera. Tội tăng tàn, có mức độ nghiêm trọng, chỉ kém tội Ba la di một bậc. Nếu phạm thì sẽ phải sống biệt trú, và mất quyền lợi tăng sĩ trong một thời gian. Tổng cộng có 13 tội : sờ mó thân phụ nữ, làm môi giới hôn nhân, nói vu và phỉ báng người, làm tăng chúng mất đoàn kết....
Có sách giải thích tăng tàn là người phạm tội sám hối và cầu xin tăng chúng thương xót, cho duy trì mạng sống tăng sĩ tàn tạ của mình.
(3) Bất định: S.Aniyata, đây là tội chưa rõ, tuy tăng sĩ có phạm, cho nên gọi là bất định. Gồm có hai loại tội: vi phạm bí mật hay công khai.
(4) Xã đọa: Naiksirajika-payattika. P.pissaggiya pacittika.
Tội có lấy của phi pháp, nhưng sau biết đem nộp lại cho tăng đoàn và xin sám hối. Tổng cộng có 30 tội, gọi là 30 pháp xã đọa. Ðó là các tội có liên quan đến y phục và dụng cụ của tăng sĩ.
(5) Ðơn đọa: S.Payattika, P. Pacittika. Một loại tội nhẹ, chỉ cần sám hối là miễn tội. Tổng cộng có 90 tội đơn đọa, cũng gọi là đơn đề. Thí dụ: làm hư hỏng cỏ cây là một tội đơn đọa, ăn quá ngọ (đối với Tăng sĩ Nam Tông) cũng là một tội đơn đọa,v.v...
(6) Hối quá: S.pratidesamya P.patidesanya. Các lỗi nhỏ liên quan tới ăn uống, chỉ cần sám hối là đủ. Có sách dịch âm là Ðề xá ni (S.desana). Có tất cả 4 tội. Thí dụ: nhận thức ăn tín thí quá mức cần thiết...
(7) Chúng học: S.saíksa P.sekhiya. Các lỗi nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày, chỉ cần tự mình phản tĩnh là được. Tổng cộng có 100 lỗi, sách Hán gọi là bách chúng học pháp. Thí dụ: mặc áo không chỉnh tề, cười lộ cả hai hàm răng, nhảy qua lạch nước...
(8) Diệt tránh: S. adhikarma - samatha. P.adhikarana-samatha Thực sự đây không phải là tội mà là những phương thức giải quyết các vụ tranh cãi trong tăng đoàn. Có 7 điều, sách Hán gọi là thất diệt tránh pháp.
Tỳ Kheo ni thọ một số giới nhiều hơn Tỳ Kheo, tức 341 giới so sánh như sau:
Tỳ Kheo Tỳ Kheo ni
Ba la di 4 8
Tăng tàn 13 17
Bất định 2 17
Xả đọa 30 30
Ðơn đọa 90 178
Ðề xá ni (hối quá) 4 8
Chúng học 100 100
Diệt tránh 7 7
Có bộ phái đưa số giới của Tỳ Kheo ni lên 348.
Hai mươi kiền độ của tác trì môn:
Kiền độ là dịch âm từ chữ Phạn Khanda, dịch nghĩa là phần hay chương. Hai mươi Kiền dộ là 20 chương, nói về các quy tắc sinh hoạt của tăng già như:
Kiền độ I: nói về phép thọ giới.
Kiền độ II: nói về phép thuyết giới và sám hối mỗi tháng hai lần (gọi
là ngày Bồ tát).
Kiền độ III: nói về phép an cư kiết hạ hàng năm.
Kiền dộ IV: nói về tổ chức ngày tự tứ, kết thúc mùa an cư, kiết hạ.
Kiền dộ V: nói về quy tắc các Tỳ Kheo dùng các đồ vật bằng da.
Kiền độ VI: nói về ba áo của tu sĩ (tam y).
Kiền dộ VII: nói về bốn loại thuốc dùng cho tăng sĩ.
Kiền độ VIII : nói về công đức y, mà Tỳ Kheo nhận được vào ngày
Tự tứ, ngày kết thúc kỳ an cư kiết hạ.
Kiền độ IX: nói về phép giáo hóa trong vụ Tăng sĩ mất đoàn kết ở
Kausambi.
Kiền độ X: nói về phép đối đãi với Tỳ Kheo là khách từ các nơi khác
đến.
Kiền độ XI: nói về phép khiển trách, xử phạt Tỳ Kheo phạm giới.
Kiền độ XII: nói về trường hợp Tỳ Kheo phạm tội, nhưng không giấu,
thì nên sám hối như thế nào.
Kiền dộ XIII : Tỳ Kheo phạm tội nhưng che giấu, không bộc lộ, phải
được xử phạt như thế nào.
Kiền độ XIV: nói về cách thức phạt Tỳ Kheo phạm tội không được ở
trong chúng.
Kiền độ XV: nói về cách xử lý tội phá hòa hợp tăng.
Kiền độ XVI: nói về bảy pháp xử lý các vụ tranh cãi trong tăng chúng. Kiền độ XVII: nói riêng về quy tắc sinh hoạt của Tỳ Kheo ni.
Kiền độ XVIII: nói về uy nghi của Tỳ Kheo.
Kiền độ XIX: nói về việc Tỳ Kheo ở trong phòng.
Kiền độ XX: một số quy tắc sinh hoạt không được quy định trong 19 Kiền độ trên.
Giới thể, giới tướng và giới hạnh
Giới thể là chủng tử lưu lại trong tạng thức của người thọ giới, sau khi được truyền giới. Chủng tử đó có tác dụng bảo vệ người thọ giới cho khỏi phạm giới. Có sách gọi đó là vô biểu sắc.
Giới hạnh: là hành vi theo đúng giới luật được thọ trì.
Giới tướng: do có giới thể, giới hạnh mà biểu hiện ra ngoài thành giới tướng thanh tịnh, tốt đẹp. Vị tăng sĩ giữ giới, nói năng hành xử, đi đứng nằm ngồi đều uy nghi mực thước.
Tông Chân Ngôn (Mật giáo) ở Nhật riêng lập ra hệ thống giới gọi là “Tam muội gia”, lấy ba loại bồ đề tâm làm giới. Nhưng đó chỉ là sự khác biệt về danh từ mà thôi. Còn về nội dung thì cũng không khác gì mười giới thiện (thập thiện giới). Chân Tông ở Nhật Bản (một nhánh của Tông tịnh dộ) thì không có bàn gì tới giới luật cả.
Tín và giới :
Vào thời đại Kamakura (Kiếm Thương) ở Nhật, các tông như Nhật Liên Tông, Chân Tông, Thiền Tông đều không chú trọng nhiều tới giới luật. Nhưng theo sự nhận định của nhà Phật học nổi tiếng Nhật Bản là Thủy Giả (xem cuốn Phật giáo yếu ngữ đích cơ sở tri thức tr 233) Phật giáo Nhật Bản thời đại Kiếm Thương rất coi trọng đức tin, và cho rằng đức tin triệt để, bao hàm đầy đủ giới luật rồi. Thí dụ, chuyên tâm niệm Phật, chuyên tâm ngồi thíền, thì ngay từ ở trong ý nghĩ và lời nói, mọi nghiệp đều đã được thanh tịnh rồi.
Ðây là do giới và tín vốn có quan hệ rất mật thiết. Tăng sĩ trong thời kỳ Phật giáo nguyên thủy, có câu : “Nếu có đức tin triệt để, thì tự nhiên có được giới”. (tín nhược triệt để, tự khả hoạch đắc giới).
Trong kinh Phật nguyên thủy, có khái niệm “Tứ bất hoại tính” tức là bốn niềm tin trong sạch, không mất tức là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và tin ở Giới luật.
Trong kinh Phật nguyên thủy, có bài kệ nổi tiếng là:
Chư ác mặc tác,
Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo
Nghĩa là :
Mọi điều ác đều không làm,
Làm mọi điều thiện
Tự làm trong sạch tâm ý
Là lời dạy của các Ðức Phật
Bài kệ này được gọi là bài kệ của bảy vị Phật (gồm cả Phật Thích Ca), cho nên cũng gọi là thất Phật thống giới kệ (bài kệ răn dạy chung của bảy vị Phật). Tinh thần của giới luật là tránh mọi điều ác, làm mọi điều thiện. Làm được như vậy là giới. Tâm ý trong sạch là định và tuệ. Bởi vì tâm có lặng (định) mới sáng (tuệ).
Giới đại thừa:
Ðặc điểm của giới đại thừa là cường điệu tính lợi tha. Ðại thừa có khái niệm ba nhóm giới trong sạch:
1. Nhiếp luật nghi giới.
2. Nhiếp thiện pháp giới.
3. Nhiếp chúng sanh giới (cũng gọi nhiêu ích hữu tình giới).
Vì cả ba nhóm giới này, cả đại và tiểu thừa đều tôn trọng cho nên gọi là thông giới.
Nhiếp luật nghi giới:
S samvarsa-sila. Gọi tắt là luật nghi giới tương đương với các giới tại gia, xuất gia của Phật giáo Nguyên thủy, nhưng theo Ðại Thừa giáo thì là Thập thiện giới, hay là thập trọng cấm giới và 48 khinh giới.
Nội dung của Nhiếp luật nghi giới, chủ yếu là ngăn chặn mọi điều ác.
Nhiếp thiện pháp giới:
S.kusala-oharma-samgraha-sila. Chỉ riêng cho 10 giới thiện.
Nhiếp chúng sanh giới:
S.sattrarthakriya-sila. Chỉ mọi việc làm, có ý nghĩa từ bi và lợi lạc đối với chúng sanh.
Ba nhóm giới này được các kinh như “Anh lạc bổn nghiệp kinh”,... nói tới, và thường được gọi là ba nhóm giới thanh tịnh (tam tụ tịnh giới).
Thập thiện (10 thiện) và ba nhóm giới:
Các kinh Bát Nhã (kể cả Ðại phẩm và tiểu phẩm) đều lấy 10 thiện làm giới đại thừa, kinh Hoa Nghiêm cũng theo thuyết này.
Trong kinh Bát Nhã, giới Ba La Mật tức là Bồ tát tự mình làm 10 thiện, và khuyến khích người khác cũng làm 10 thiện thực hành đầy đủ cả hai mặt nhiếp luật nghi giới và nhiếp thiện pháp giới.
Kinh Hoa Nghiêm thì thêm Nhiếp chúng sanh giới thành có ba nhóm giới đầy đủ.
Bộ luận Du Già sư địa nói cả ba nhóm giới Nhiếp luận nghi giới, nhiếp thiện pháp giới và nhiêu ích hữu tình giới, đầy đủ như kinh Hoa Nghiêm. Ba nhóm giới này cũng gọi là Du Già giới.
Mười thiện giới:
1. Không sát sanh,
2. Không trộm cắp,
3. Không tà dâm,
4. Không nói dối,
5. Không nói ác,
6. Không nói chia rẽ ,
7. Không nói phù phiếm,
8. Không tham,
9. Không sân,
10. Chánh kiến.
Mười cấm giới nặng (trọng giới)
Bồ tát nếu phạm mười giới nặng này, vi phạm tội nặng gọi là Ba La di. Ðiều này được ghi trong kinh Phạm Võng, cho nên cũng gọi là Phạm Võng giới.
Mười cấm giới nặng là:
1. Không sát sanh,
2. Không trộm cắp,
3. Không phạm dâm (tà dâm)
4. Không nói dối,
5. Không bán rượu,
6. Không nói lỗi người khác,
7. Không tự khen mình và vùi dập người,
8. Không keo kiệt đối với Pháp và tài sản,
9. Không giận,
10. Không phỉ báng Tam bảo.
Giới Ðại thừa của Phật giáo Trung Quốc và Phật giáo Nhật Bản:
Người Trung Quốc kết hợp Du già giới (tức ba nhóm giới), Phạm Võng giới (10 giới nặng và 48 giới nhẹ) thành ra Ðại thừa giới, cũng gọi là Bồ tát giới, Phật tính giới, Kim cang bảo giới. Phật giáo Trung Quốc kết hợp dùng luật Tứ Phần (Thường gọi là luật Tiểu thừa), với luật Ðại thừa (Kinh Phạm Võng). Nói chung, từ đời Tùy Ðường về sau, đều kết hợp sử dụng như vậy.
Ở Nhật Bản, vào đời Nại Lương (Nara) có sư Giám Châu truyền kinh nghiệm kết hợp dùng giới Ðại thừa và Tiểu thừa (của Trung Quốc) vào Nhật Bản. Nhưng đến thời Ðại sư Tối Trừng, thì Ngài bỏ giới Tiểu thừa, chỉ dùng giới Ðại Thừa mà thôi gọi là viên đốn giới (hay Viên giới). Tông Thiên Thai (tendai) và các lưu phái khác ở Nhật, đều theo lập trường đó của Ngài Tối Trừng.
Tông Tào Ðộng của sư Ðạo Nguyên lập ra 16 giới gọi là Bồ tát giới, gồm Tam quy giới, Tam tụ tịnh giới và thập trọng cấm giới. Cái khác của Ðạo Nguyên là xem thọ Tam quy là giới. Còn Tam tụ tịnh giới (ba nhóm giới thanh tịnh) và thập trọng cấm giới thì giống như trên.
Tông Lâm Tế ở Nhật cũng theo lập trường này của Tào Ðộng.
V.2. ÐỊNH HỌC
Nghĩa của từ Định
Ðịnh nghĩa là tâm không tán loạn, là nhất tâm.
Bốn cảnh giới định cúa Phật giáo Nguyên thủy:
Phật giáo Nguyên thủy nói về 4 cảnh giới định (gọi là bốn cấp thiền) như sau:
+ Cấp thiền thứ nhứt: (Sơ thiền) xa lìa dục vọng, xa lìa mọi pháp bất thiện, có tầm và tứ, Hỷ lạc nhờ xa lìa dục vọng và pháp bất thiện mà có.
+ Cấp thiền thứ hai: (Nhị thiền) ngưng chỉ tầm và tứ, nội tâm an tịnh, hỷ lạc nhờ định tâm mà có.
+ Cấp thiền thứ ba: (Tam thiền) xa lìa tâm hỷ, trú ở xả, thân trú ở lạc + Cấp thiền thứ tư: (Tứ thiền) bỏ khổ lạc, bỏ hỷ ưu, xả niệm thanh tịnh.
Các loại định : định là tâm an tịnh, thống nhất. Người còn ở Dục giới, thành tựu được tâm định tạm thời gọi là Dục giới định.
Các cảnh giới định ở sắc giới và Vô sắc giới mới gọi là căn bổn định.
Cần nhắc lại ở đây các khái níệm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
Dục giới: (S.Kama dhatu) là cõi sống trong đó cảm quan có nhiều dục vọng, hướng tới sắc, thinh, hương, vị, xúc pháp, tức sáu ngoại trần.
Sắc giới (S.rupa dhatu): là cõi sống mà dục vọng của cảm quan không còn nữa, nhưng thân vật chất vẫn còn. Chúng sanh ở đây, luôn ở trong trạng thái thiền định từ sơ thiền đến tứ thiền.
Vô sắc giới (S. Arupa dhatu): là cõi sống ở đây chúng sanh không còn có thân vật chất nữa mà chỉ sống cuộc sống thuần túy tinh thần mà thôi.
Cũng như Sắc giới, Vô sắc giới có 4 cấp thiền, gọi theo thứ tự từ thấp đến cao:
1. Không Vô biên xứ,
2. Thức Vô Biên xứ.
3. Vô sở hữu xứ
4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Các thuật ngữ liên quan tới Ðịnh học:
Samadhi dịch là Ðịnh:
o định ý;
o tam muội;
o tam ma địa;
o đẳng trì;
o chánh thọ
dhyana, jhana Hán dịch là Thiền:
o thiền na;
o tĩnh lự;
o Tư duy tu
Samapati Hán dịch là Ðịnh, tam ma bát đề, đẳng chí
samatha Hán dịch là chỉ, xamatha.
S. Cittankragrata, P.Cittegaggata Hán dịch là tâm chuyên một cảnh.
Yoga Hán dịch âm Du già.
Samadhi: là danh từ chung nhứt, bao gồm các loại định thế gian hữn lậu, cũng như xuất thế vô lậu hữu tâm dịnh, vô tâm định, toàn là các định trong ba giới.
Dhyana: chỉ loại định của sắc giới mà thôi, không có định của Dục giới, và của Vô sắc giới.
Samapatti: là loại định của riêng Sắc giới, và Vô sắc giới không bao hàm định Dục giới. Như vậy, nó bao gồm 9 cấp định từ Sơ thiền sắc giới cho tới Tứ thiền Vô sắc giới, kể cả diệt thọ tưởng định. Gọi chung tất cả là Cửu thứ đệ định (chín cấp định xếp theo thứ tự từ thấp tới cao).
Samatha: hay dùng đồng thời với Vipasvana, vipassana (quán Tỳ bát xá na). Samatha là chỉ, Samatha vipassana là chỉ quán. Chỉ là nội tâm vắng lặng, Quán là quan sát. Dùng hai từ chỉ quán là muốn nói hai môn định học và tuệ học cần phát triển cân bằng.
Yoga là từ ngữ có trước Phật giáo, cũng chỉ cảnh giới nội tâm thống nhứt. Phật giáo cũng dùng từ Yoga (Du già) trong các khái niệm như Du già hạnh, Du già sư, bộ phái Du già (yogacara) cũng gọi bộ phái Duy Thức.
Samahita Hán dịch âm Tam ma sất da, Hán dịch nghĩa Ðẳng dẫn, nhập định.
Samapanna : Hán dịch âm Tam ma bác ra, dịch nghĩa căn bổn định.
Hiện pháp lạc trú: S. drstadhanoma-suk-havihara
P. dittha-dhamma-sukhavihara.
Năm loại thiền:
Ðời nhà Ðường ở Trung Quốc, các thiền sư Khuê Phong, Tôn Mật, phân biệt có năm loại thiền là:
(1) Ngoại đạo thiền;
(2) Phàm phu thiền;
(3) Tiểu thừa thiền;
(4) Ðại thừa thiền;
(5) Tối thượng thừa thiền (cũng gọi là Như Lai thiền).
Và kết luận là Như Lai thiền và Tổ Sư thiền đều bao hàm có yếu tố giác ngộ tối cao.
Các phương pháp tu tập thiền định:
Về phương pháp tu tập thiền định, kinh sách Phật giáo Nguyên thủy, cũng như các sách luận của Phật giáo bộ phái đều có ghi chép khá cụ thể.
Bốn mươi nghiệp xứ:
Kinh sách Pali nói tới 40 tối tượng quán, có tác dụng dẫn tới định tâm, gọi là 40 nghiệp xứ (kammatthana), chia làm:
10 biến xứ : địa, thủy, hỏa, phong, sắc xanh, sắc vàng, sắc đỏ, sắc trắng, ánh sáng, hư không.
10 tướng bất tịnh: tướng xác phồng to, tướng xác màu xanh bủng, tướng máu mủ; tướng gân cốt rời rã, tướng thây xác bị côn trùng ăn, tướng xương cốt phân tán rơi vải, tướng gân cốt bị chặt đứt, tướng máu chảy lênh láng, tướng trùng hôi bọ thối, tướng hài cốt.
10 tùy niệm: Phật, Pháp. Tăng, Giới, thí (xả), các cõi Trời, chết, hơi thở ra vào, sự vắng lặng ngưng chỉ.
Bốn vô lưọng tâm: từ, bi, hỷ, xả.
Bốn cấp thiền Vô sắc: hư không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Tướng chán ghét thức ăn.
Tưởng về giới sai biệt.
Quan hệ giữa tính cách con người và các đối tượng quán nghiệp xứ:
Tính cách người gồm có:
1. Bản tính tham (tham hạnh)
2. Bản tính sân giận (sân hạnh)
3. Bản tính si mê (si hạnh)
4. Bản tính tán loạn (tầm hạnh)
5. Bản tính dễ tin (tín hạnh)
6. Bản tính thiên lý trí (giác hạnh)
Người bản tính tham nên chọn các pháp quán 10 tướng bất tịnh, quán thân bất tịnh.
Người bản tính sân, chọn phép quán bốn vô lượng tâm, bốn sắc xanh, vàng, đỏ, trắng.
Người bản tính si và tán loạn, chọn các phép quán theo dõi hơi thở vào ra, (sổ tức quán).
Người bản tính giàu đức tin, chọn phép quán niệm Phật, Pháp, Tăng, giới, thí, cõi Trời.
Người bản tính thiên lý trí, chọn các phép quán niệm chết, niệm chán thức ăn, niệm giới sai biệt.
Ngoài ra, còn có các phép quán, thích hợp với mọi tính cách, như quán về bốn cấp thiền Vô sắc, quán các biến xứ địa, thủy, hỏa phong.
Năm phép quán định tâm và ngũ môn thiền:
Phép quán Ngũ đình tâm, là phép quán của Hữu bộ được chỉnh lý từ các phép quán đã được nói trong kinh sách Nguyên thủy.
1/ Quán bất tịnh: (tức mười phép quán bất tịnh của Phật giáo Nguyên thủy) hợp với loại người có bản tính tham.
2/ Quán từ bi: (tức quán bốn vô lượng tâm) : từ, bi, hỷ, xả, thích hợp với bản tính sân hận.
3/ Quán nhơn duyên: (tức quán 12 nhơn duyên) thích hợp với căn tính si .
4/ Quán giới sai biệt: (tức là quán 4 đại: địa, thủy, hỏa, phong cấu tạo ra thân nguời), thích hợp với loại người nặng về ngã kiến.
5/ Quán hơi thở: (sổ tức quán), đối trị loại người hay có tâm tán loạn.
Hữu bộ cũng lập ra phép ngũ môn thiền thích hợp với mọi bản tính con người. Ngũ môn thiền là ngũ đình tâm, trong đó thay phép quán giới sai biệt bằng phép quán niệm Phật.
Hai mươi lăm phuơng tiện: (chuẩn bị cho tu thiền định)
Tông Thiên Thai cho rằng, để chuẩn bị cho việc tu thiền có kết quả, cần có đầy đủ:
1/ Năm duyên :
- Giữ giới thanh tịnh.
- Thức ăn, áo mặc đầy đủ,
- Nơi ở yên tịnh,
- Dẹp các duyên vụ (bỏ bớt các việc không cần thiết)
- Gần gũi thiện tri thức.
2/ Bỏ năm dục (vọng)
- Sắc
- Thanh,
- Hương,
- Vị
- Xúc
3/ Bỏ năm triền cái (tức năm cái ngăn che vưóng mắc)
- Tham,
- Sân,
- Hôn trầm thụy miên,
- Trạo cử (lăng xăng)
- Nghi.
4/ Ðiều hòa năm sự :
- Ăn uống,
- Ngủ nghỉ,
- Thân,
- Hơi thở,
- Tâm.
5/ Thực hành năm pháp
- mong muốn thực tiễn.
- Tinh tấn.
- niệm,
- trí huệ thiện xảo,
- Nhứt tâm.
Mục đích tu tập thiền định: Phật giáo Nguyên thủy nói tới năm công đức của việc tu tập thiền định:
(1) có sức khỏe, thân tâm an vui.
(2) có trí tuệ giác ngộ, tức trí tuệ vô lậu.
(3) có thần thông: thiên nhỉ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thiên nhãn thông...
(4) Khi mệnh chung, tái sanh lên các cõi Trời Sắc giới và Vô sắc.
(5) Chứng diệt tận định: (nirodha-samapatti), cấp định này cao hơn cấp tứ thiền của Vô sắc giới, và chỉ có hàng Thánh mới chứng được.
Kinh A Hàm có nói tới 10 công đức của người tu tập phép quán Tứ vô lượng tâm: (tức là bốn tâm vô lượng từ bi hỉ xả)
1. Ngủ yên,
2. Không có ác mộng,
3. Ðược mọi người yêu mến,
4. Ðược loài phi nhân yêu sủng,
5. Ðược thần phù hộ,
6. Không bị hại bởi lửa, đao kiếm và thuốc độc
7. Nhanh chóng vào định,
8. Dung mạo sáng đẹp,
9. Khi lâm chung không hôn mê,
10. Nếu chưa giác ngộ thì ít nhứt cũng được tái sanh lên các cõi Trời Phạm Thiên.
Các phép tu từ định vào tuệ:
Các kinh A Hàm nói đến các phép tu:
1. Quán năm uẩn,
2. Quán bốn đế,
3. Quán ba tam muội và quán không, quán vô tướng, quán vô
nguyện (vô nguyện là không còn mong cầu gì bên ngoài).
4. Tám phép giải thoát.
5. Tám thắng xứ.
V.3. TUỆ HỌC
1. Các loại Trí tuệ - các từ ngữ:
Mục đích cuối cùng của Phật Pháp là có được sự giác ngộ bằng trí tuệ. Vì vậy, nên dù là Tam học (ba môn học), hay thập vô học pháp (10 pháp dẫn tới quả vô học) tức quả A la Hán, sáu pháp Ba la Mật, đều xem trí tuệ là thành quả cuối cùng.
Nhưng có nhiều loại trí tuệ. Có trí tuệ hữu lậu, và trí tuệ ở Dục giới, có trí tuệ sơ bộ chứng ngộ, có trí tuệ của A la Hán, có trí tuệ của Bích Chi Phật, có trí tuệ của Bồ tát và cuối cùng là trí tuệ tối cao của Phật.
Cổ ngữ Sanskrit, Pàli và dịch ngữ chữ Hán có nhiều từ ngữ tương đương với trí tuệ: (xếp theo thứ tự sanskrit, Pàli, Hán)
- Prajna, panna – tuệ, trí tuệ, bát nhã, ba nhã.
- jnana, jnana – trí, trí tuệ, xà na, (âm dịch từ jnana)
- Vidyà, vijja – minh
- Buddhi – Giác,
- medha bhuri – quảng, quảng tuệ, trí tuệ, rộng lớn.
- Dharsana - dastana, kiến Nại lạt xá nang (dịch âm từ dharsana)
- drsti-ditthi - kiến,
- Vipasyana - vipassana – quán, Tỳ bát xá na (âm dịch Vipasyana)
- Anupapyana - anupastana – tùy quán.
- Parijna - parinna – biến tri, biết tất cả.
- Abhijna - abhinna – chứng trí, thần thông,
- Ajna - anaa - liễu tri, dĩ tri, A nhã.
- Samprajana - sampajana - chánh tri.
- Mimamsa - vimamasa – quán, quán sát.
- Pariksa - parikkha - quán, quán sát.
- Pratyaveksana-paccavekkhana – quán sát.
- Dhamma - vicaya - dhamma vicaya – Trạch pháp
- Pratisamvid - patisambhida – vô ngại giải, vô ngại biện,
Ngoài ra, còn có những từ ví dụ để nói trí tuệ:
- Caksu - cakkhu – là nhãn, con mắt
- Aloka – ánh sáng (quang minh).
Với sự thể nghiệm cụ thể của trí tuệ, chúng ta có các từ ngữ
- Bodhi – bồ đề, tức là giác, đạo
- sambodhi, tam bồ đề cũng có nghĩa chánh giác đẳng giác.
2. Tuệ và trí:
Các từ được dùng nhiều nhất là prajna, panna mà Hán dịch đều là trí tuệ. Nhưng Huyền Trang dịch Prajna (panna) là tuệ và dịch jnana là trí.
Ý nghĩa của tuệ rất rộng. Theo văn chương A Tỳ Ðàm thì tuệ có các nghĩa từ thấp đến cao như biết thế nào là thiện là ác; tuệ hữu lậu của phàm phu (gọi là liệt tuệ) và tuệ siêu việt vô lậu của hàng Thánh... và trí tuệ Ba la Mật được hiểu như là trí tuệ toàn thiện, đầy đủ của các Ðức Phật.
Trí: jnana, nana, được dùng để chỉ trí tuệ đã khai ngộ, do đó mà có các khái niện tận trí (trí tuệ cùng cực, rốt ráo). Vô sinh trí, (trí tuệ chứng được lý vô sinh) chánh trí.
Trí ba la mật là trí tuệ tối cao của Bồ tát thập địa, tức là Bồ tát sắp thành Phật.
Sách Duy thức nói tới 5 trí của vị Bồ tát đã chứng ngộ:
(l) Thành sở tác trí
(2) Diệu quan sát trí
(3) Bình đẳng tánh trí,
(4) Ðại viên cảnh trí,
(5) Pháp giới thể tánh trí.
Có sách Phật phân biệt ba trí là:
(1) Nhất thiết trí,
(2) Ðạo chủng trí,
(3) Nhất thiết chủng trí (cũng gọi nhất thiết trí).
Tuy nhiên, cũng có sách dùng từ trí không khác gì từ tuệ nghĩa là gồm cả hữu lậu và vô lậu. Như Luận Câu Xá nói về mười trí:
1/ Thế tục trí
2/ Pháp trí,
3/ Loại trí,
4/ Khổ trí,
5/ Tập trí,
6/ Diệt trí,
7/ Ðạo trí,
8/ Tha tâm trí.
9/ Tận trí,
10/ Vô sanh trí,
Trong 10 trí nói trên, trừ thế tục trí ra, còn tất cả đều là vô lậu trí. Nếu thêm vào Như thực trí, thì chúng ta có 11 trí của pháp tướng tông Duy thức. Trong số này “như thật trí” là trí tuệ hữu lậu cao nhứt của hàng phàm phu. Có sách phân biệt bốn tuệ là:
- Hữu sanh đắc tuệ (cũng như nói trí tuệ bẩm sinh)
- văn tuệ,
- Tư tuệ,
- Tu tuệ.
Giải thích các từ đồng nghĩa với tuệ:
1. Minh vidya, Giác Budhi, Tuệ medha, Quang Bhùri, Nhãn (con mắt) quang minh, (từ minh dùng trong thành ngữ minh hạnh tức là bậc Thánh có đầy đủ trí tuệ và đức hạnh, tức Phật).
2. Kiến: Darsana, tri kiến, chánh tri kiến, (trong Bát chánh đạo).
3. Quán: Vipasjana. Dùng trong hợp từ chỉ quán. Tùy quán anupasyana (tức là trí tuệ quán sát trong bốn niệm xứ), biến tri, pari-jna, và chứng trí abhijna tức phép thần thông.
4. Liễu tri: ajna, là trí tuệ dựa vào pháp nhãn mà sơ bộ chứng ngộ.
A Nhã là liễu tri, trong số năm nguời đầu tiên dược nghe Phật thuyết pháp tại vườn Nai, gần Bénarès, ông Kiều Trần Như là người đầu tiên được Liễu tri, tức là sơ bộ chứng ngộ bằng trí tuệ. Do vậy mà ông có danh hiệu A Nhã (ajna). Chánh trí samprajàna. Nghĩa đầy đủ là nhận thức đúng đắn, chính xác.
5. Quán: mimamsa, có nghĩa “tuệ giải” trong bốn thần túc và trong phép quán nhơn duyên. Ý tứ không khác gì lắm với quán Vipasyana.
6. Trạch pháp: Dhamma-vicaya, là một giác chi trong bảy giác chi, tức là trí tuệ khéo chọn lựa, nhận biết đúng sai, phải trái.
7. Vô ngại giải: cũng gọi là Vô ngại trí, vô ngại biện, tức là trí tuệ thấy hết, biết hết của Phật, không có gì có thể gây trở ngại được Ðức Phật có trí tuệ vô ngại đối với Pháp (hết thảy mọi pháp), từ (mọi từ ngữ), nghĩa (mọi ý nghĩa), biện (có khả năng biện thuyết về mọi vấn đề với mọi người), đó là bốn biện giải vô ngại của Phật.
8. Bồ đề: S.Bodhi (giác, đạo) hay tam Bồ đề (sambodhi) Hán dịch nghĩa chánh giác, là sự thể hội trực tiếp đối với chân lý.
Tác dụng của trí tuệ: sách Phật phân biệt có hai loại trí tuệ :
“Phân biệt trí và Vô phân biệt trí”:
+ Phân biệt trí:
S. savikalpa-jnana là trí tuệ có đối tượng để phân biệt, trí tuệ “đối lập” với đối tượng.
+ Vô phân biệt trí:
S. Nirvikalpa-jnana là trí tuệ hòa nhập làm một với đối tượng. Ðó là trí tuệ chứng ngộ cao nhứt.
Với trí tuệ Vô phân biệt, bậc Thánh thấy “sắc tức là khỏng” (sắc tức thị không) thấy các pháp là vô ngã, bậc Thánh chứng ngộ đạo lý sâu sắc, vi diệu đó, cho nên đạt tới trình độ tự tại vô ngại đối với mọi pháp.
Nhưng bậc Thánh không dừng ở đấy. Ðể cứu vớt chúng sanh ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, các Ngài mở lòng đại bi để cứu độ chúng sanh. Các Ngài dùng trí tuệ tối cao để phân biệt căn cơ hoàn cảnh của mỗi chúng sinh. Trí tuệ này lại là trí tuệ (có) phân biệt (phân biệt trí), nhưng là một phân biệt trí thành tựu được trên cơ sở vô phân biệt trí, vì vậy mà gọi là phân hiệt hậu đắc trí.