Người Tây Tạng đã vẽ lại các dạng khổ đau của luân hồi trong bức Lục đạo luân hồi đồ [h. 1, tiếng Tây Tạng gọi là srid pa’i ’khor lo, nghĩa là vòng sinh tồn]. Họ vẽ bức Luân hồi đồ này ở khắp mọi nơi, trên tường của tự viện hay làm thành tranh treo trang trí trong nhà, với ý muốn nhắc nhớ bản thân luôn khắc cốt ghi tâm cái khổ đau của luân hồi. Nhờ đó mà nuôi dưỡng tinh thần xuất gia mong mỏi giải thoát khỏi luân hồi như Phật-đà đã từng, cũng như hàm dưỡng cái tâm từ bi muốn cứu giúp tất cả chúng sinh đang ở trong khổ đau của luân hồi.
Hình 1 – Lục đạo luân hồi đồ |
Nhìn toàn diện thì có tất cả 4 vòng tròn đồng tâm [xem biểu đồ h.2]. Trước hết, ở vòng tròn nhỏ trung tâm có vẽ 3 con gà, rắn, và heo đang cắn đuôi nhau [h.2, các số 1,2&3]. Ba động vật này lần lượt tượng trưng cho 3 loại phiền não lớn nhất gọi là tam độc bao gồm tham dục, sân si và ngu si. Chính tam độc này là nguyên nhân căn bản của lục đạo luân hồi. Tất cả chúng sinh khi đang ở trong luân hồi thì do tam độc mà nhận lãnh sinh tồn khổ đau. Nếu muốn giải thoát khỏi luân hồi như Phật-đà thì chẳng có phương pháp nào khác ngoài việc phải diệt bỏ cái tam độc này.
Kế đến, vòng tròn 2 chia ra làm đôi [h.2, số 4&5], nửa bên trái là thiện nghiệp đạo còn nửa bên phải là ác nghiệp đạo. Đối với thiện nghiệp đạo, nhờ vào thiện nghiệp của mình mà chúng sinh sẽ sinh vào 3 đường thiện [tam thiện thú] là thiên / a-tu-la / người, đó là con đường sáng sủa hướng thượng. Còn đối với ác nghiệp đạo thì cũng do ác nghiệp của mình mà sẽ sinh vào 3 đường ác [tam ác thú] là súc sinh / ngạ quỷ / địa ngục, đó là con đường tối tăm hướng hạ. Chúng sinh tùy vào nghiệp của mình mà sinh vào các nơi tương ứng trong thiện thú và ác thú. Vì vậy chúng ta phải nỗ lực gia tăng thiện nghiệp và khống chế ác nghiệp. Tuy nhiên, cho dù có được sinh vào đâu thì nơi đó cũng giới hạn trong luân hồi, đừng bao giờ quên nó cũng chỉ là một dạng sinh tồn khổ đau có gốc rễ là tam độc. Người theo Phật giáo không neo đậu ở đâu trong cả thiện thú cũng như ác thú của luân hồi mà phải nhắm tới cảnh giới giải thoát khỏi luân hồi như Phật-đà đã đạt được.
Tiếp theo ở vòng tròn 3, từng dạng của thế giới lục đạo được mô tả cụ thể, Tử thư Tây Tạng [bar do thos grol, sách chỉ dẫn cho người sắp chết] xuất phát từ quan điểm này mà chỉ dẫn những gì cần phải làm lúc chết để được sinh vào các cõi tốt đẹp. Vòng 3 được chia ra làm 6 phần [h.2, từ số 6 đến số 11], nửa trên là tam thiện thú còn nửa dưới mô tả tam ác thú.
Các thần ở cõi thiên nhìn qua thì thấy là một sinh tồn hạnh phúc nhất trong lục đạo. Tuy nhiên, cũng chính vì bọn họ được tô vẽ bởi những đặc tính ưu việt nên dễ dàng rơi vô mạn tâm [lòng ngạo mạn], không muốn quay lại với khổ đau luân hồi nhưng kết quả vẫn cứ lang thang trong lục đạo. A-tu-la có tâm ghen ghét đố kỵ rất nặng, lúc nào cũng thách thức khiêu chiến với các thần cõi thiên, nhưng luôn bị đánh bại bởi quân thế của các thần đứng đầu là Đế-thích thiên nên ở họ không có sự bình an. Nhân [loài người] được Phật giáo coi trọng hơn thiên giới và gọi là thân người quý báu, rất khó được thụ nhận thân người cho nên đó là sinh tồn thích hợp nhất cho việc tu hành Phật đạo. Đã có may mắn nhận được thân người thì chớ sử dụng vô ích mà hãy cố gắng nỗ lực tu hành giải thoát.
Súc sinh [động vật] bị ngu si chi phối, sống trong một tập hợp ràng buộc bằng mối quan hệ chồng chéo ăn thịt và bị ăn thịt lẫn nhau, luôn bị đe dọa bởi nỗi sợ hãi giữa ăn hay sẽ bị ăn. Ngạ quỷ [quỷ đói] là nô lệ của tham dục, lúc nào cũng chịu đau đớn vì đói khát. Địa ngục là sinh tồn của chúng sinh bị trói buộc bởi sân si. Kinh điển Phật giáo cũng nói nhiều về sự đa dạng của địa ngục như 8 địa ngục nóng, 8 địa ngục lạnh, mô tả cái sợ hãi của đọa địa ngục như là quả báo của nghiệp ác.
Trong Phật điển cũng nói, tất cả chúng sinh trong luân hồi có khi đã từng là cha mẹ của mình ở thời quá khứ nào đó. Chúng ta hãy nghĩ rằng những người đã từng là cha mẹ của mình đó đang chịu đựng khổ đau của lục đạo mà phát tâm từ bi rộng lớn đến với họ.
Sau hết, ở vòng tròn 4 vẽ những hình ảnh tượng trưng cho 12 chi duyên khởi [thập nhị duyên khởi] nổi tiếng của giáo lý Phật giáo [h.2, từ số 12 đến số 23]. Chúng được mô tả lần lượt đi từ phần bên phải phía trên theo chiều kim đồng hồ là vô minh – hành – thức – danh sắc – lục xứ – xúc – thụ – ái – thủ – hữu – sinh – lão tử. Thập nhị duyên khởi phân tích chi tiết sinh tồn của luân hồi được thành lập như thế nào, cho nên nó là giáo lý cực kỳ trọng yếu trong Phật giáo.
Ngoài cùng vẽ một hình dung cổ quái [h.2, số 24] đang cắn và giữ chặt lấy toàn thể lục đạo luân hồi đó là Diêm ma [tiếng Tây Tạng gọi là gshin rje chos rgyal tức Diêm ma đại vương, Vô thường đại quỷ, vua của sự chết], tượng trưng cho vô thường hay sự chết sẽ viếng thăm tất cả chúng sinh không ngoại lệ một ai. Khi còn ở trong luân hồi thì bất kỳ ai cũng là nô lệ của Diêm ma.
Phía bên phải Diêm ma là Phật-đà Thích Tôn [h.2, số 25] được thể hiện ngoài vòng tròn tức đã giải thoát khỏi khổ đau của luân hồi. Mặt trăng biểu thị cảnh giới giác ngộ giải thoát. Thích Tôn chỉ tay vào mặt trăng như muốn dạy, này tất cả chúng sinh, hãy lấy đây làm mục đích tối hậu.
Phía bên trái Diêm ma là Quán âm Bồ-tát [h.2, số 26], người hộ trì cho tất cả chúng sinh, đang nhìn xuống vòng luân hồi bằng con mắt đại từ bi. Hơn nữa, lục tự chân ngôn [6 chữ thần chú, xem h.3] oṃ maṇi padme hūṃ [án ma-ni bát-mê hồng] của Quán âm Bồ-tát được dùng để khống chế dòng lưu chuyển tái sinh của lục đạo [om – thiên, ma – nhân, ni – a-tu-la, pa – súc sinh, dme – ngạ quỷ, hum – địa ngục].
Hình 2 – Biểu đồ |
Hai nghiệp đạo thiện & ác 4. Thiện nghiệp đạo 5. Ác nghiệp đạo
Ba đường thiện 6. Thiên 7. A-tu-la 8. Nhân
Ba đường ác 9. Súc sinh 10. Ngạ quỷ 11. Địa ngục
Mười hai chi duyên khởi
12. Bà lão mù = vô minh. Không hiểu biết đạo lý Tứ đế và Duyên khởi. Vô tri.
13. Nghệ nhân làm gốm = hành. Ba nghiệp thân / ngữ / ý. Ý chí thiện ác. Nghiệp hình thành.
14. Con khỉ đang chuyền qua các cửa sổ của một ngôi nhà = thức. Tác dụng phán đoán nhận thức [từ nhãn thức đến ý thức]
15. Hai người đàn ông đi trên thuyền = danh sắc. Đối tượng của thức à lục cảnh [sắc / thanh / hương / vị / xúc / pháp].
16. Ngôi nhà có 6 cửa sổ = lục xứ. Lục nhập / lục căn à năng lực cảm giác và tri giác. Mắt / tai / mũi / lưỡi / thân / ý.
17. Nam nữ đang giao hợp = xúc. Sự hòa hợp của 3 thứ căn-cảnh-thức. Tiếp xúc.
18. Người đàn ông bị tên đâm vào mắt = thụ. Khổ / lạc [bất khổ / bất lạc]. Tác dụng cảm thụ.
19. Người đàn ông đang uống rượu = ái. Ham muốn mạnh mẽ [khát ái]. Ý nghĩ yêu ghét đối với cái thụ khổ lạc.
20. Con khỉ đang hái quả = thu. Hành vi chọn lựa lấy bỏ dựa vào thân / ngữ. Chấp trước.
21. Người đàn bà mang thai = hữu. Tồn tại có tính hiện tượng. Tồn tại như là tính cách / nhân cách. Sinh tồn.
22. Người đàn bà đang sinh con = sinh. Kinh nghiệm sinh ra từ tính cách / nhân cách.
23. Người đang vác trên vai xác chết = lão tử. Mọi khổ não trong ba giới luân hồi đều có nguyên nhân là nghiệp và phiền não của vô minh và khát ái.
Phần bên ngoài
24. Diêm ma = Tử – Vô thường.
25. Phật-đà Thích Tôn đang chỉ tay về mặt trăng [tượng trưng cho cảnh giới giác ngộ].
26. Quan âm Bồ-tát
Hình 3 – Lục tự chân ngôn oṃ maṇi padme hūṃ viết bằng văn tự Tây Tạng |