Ba cõi không an như nhà lửa. Đâu miền chân lạc khỏi tang thương. Người vô thường, cảnh vô thường. Khuyên gọi cùng nhau tỉnh mộng. Quay về biển giác thanh lương.
NĂNG LỰC TRÍ TUỆ Những Lời Dạy Căn Bản Của Phật Giáo Nguyên tác: WISDOM ENERGY, BASIC BUDDHIST TEACHINGS Lama Yeshe và Lama Zopa Rinpoche - Vô Huệ Nguyên dịch Wisdom Publications xuất bản

Chương một:

BƯỚC VÀO CON ĐƯỜNG TÂM LINH
  1.   MỤC ĐÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH 


 Tôi muốn nói vài lời giới thiệu về sự thực hành thiền. Rất nhiều người trên thế giới này, Đông phương cũng như Tây phương, thích thiền. Họ bị lôi cuốn vào sự thực hành thiền và họ thực sự tha thiết với nó. Nhưng, gia nhập thì nhiều mà thực sự hiểu nó thì quá ít.

Mỗi người trong chúng ta ở đây đều có một thân xác được cấu tạo bởi xương, thịt, máu huyết ...vân vân...Ngay hiện tại, chúng ta không thể hoàn toàn kiểm soát tất cả thân xác của chúng ta như ý muốn, chúng ta luôn luôn có những vấn đề. Một nhà tỷ phú có thể sở hữu rất nhiều tài sản trên thế giới, nhưng, hãy tạm quên sự giầu sang của ông ta đi, nếu tâm của ông ta bị nhốt trong một thân xác không thể kiểm soát được thì chắc chắn ông ta sẽ đau khổ lắm lắm. Dù giầu hay nghèo, không một người nào trong chúng ta có thể trốn thoát được những vấn đề. Cho dù có cố gắng bằng nhiều cách, chúng ta cũng không bao giờ có thể ngăn cản được những điều khó khăn hay những vấn đề xẩy ra cho chúng ta. Nếu chúng ta thanh toán được vấn đề này, vấn đề khác đã tự động đến thay thế. Những bất mãn và đau khổ tràn ngập thân xác của chúng ta ở bất cứ nơi nào chúng ta đến. Nếu chúng ta dùng trí tuệ để nhìn thật sâu vào trong trái tim của chúng ta về những vấn đề này và hiểu tường tận đường đi nước bước của chúng thì chúng ta sẽ nhanh chóng phát giác được những tình trạng bất mãn khủng khiếp này. Một điều cũng rất rõ và cần biết là nếu chúng ta không có một thân xác không được kiểm soát như thế thì chúng ta cũng sẽ không có một cách nào để kinh nghiệm được những sự đau khổ liên hệ đến nó.

Vấn đề căn bản mà tất cả chúng ta đều có là chúng ta đã không đạt được những gì chúng ta ước muốn nên chúng ta đau khổ. Đó là những gì chúng ta cần cho đời sống vật chất như cơm ăn áo mặc nhưng chúng ta lại muốn tự hào hoặc thích thú về chúng, chúng ta lại muốn có những lời khen tặng và được tâng bốc. Có nhiều cảnh khổ chúng ta có thể nhìn thấy ngay, như một người đói rách vô cùng nghèo túng. Nhưng một cách nào đó, tất cả chúng ta đều là những kẻ đói khát và không thể kiểm soát được những gì chúng ta ước muốn.

Hãy lấy một thí dụ, có những người tốt phước được sinh ra trong một gia đình giầu có. Trong cả cuộc đời của anh ta, có thể anh ta sẽ không kinh nghiệm được một chút gì về sự thiếu thốn vật chất. Anh ta có thể mua được bất cứ gì anh ta muốn và được tự do đi du lịch ở bất cứ nơi nào anh ta thích để hưởng được tất cả những thú vui mà các nền văn hóa khác nhau đem đến. Rồi khi mà không còn một nơi nào để đi, không còn một cái gì để sở hữu, không còn một thú vui nào để hưởng, anh ta vẫn cảm thấy thiếu, vẫn cảm thấy không thỏa mãn nên anh ta vẫn than khổ. Trong trạng thái bất an như vậy, trong tâm trạng bất mãn như vậy, nhiều người đâm ra điên loạn, họ không còn kiểm soát được tình trạng này và bắt đầu thấm mùi tê tái của khổ đau.

Như vậy, một đời sống hoàn toàn sung túc, tràn đầy thú vui thì đau khổ vẫn có ở đó, vẫn hiện diện ngay ở đóù. Sự thật là càng sở hữu vật chất bao nhiêu thì tâm bất mãn càng tăng lên bấy nhiêu, bởi vì sự sở hữu vật chất không có một chút khả năng nào ảnh hưởng đến hoặc cắt đứt được cái mầm mống căn để của khổ đau. Một dòng liên tục của bất mãn, lầm lạc, lo lắng và những liên hệ với chúng vẫn còn đó. Nếu sự tích tụ tất cả những tiện nghi vật chất ở bên ngoài mà thực sự có khả năng loại bỏ được khổ đau thì khổ đau phải chấm dứt và bất mãn phải ngưng đọng mới được. Nhưng cho đến khi nào tâm của chúng ta còn bị ràng buộc với cái thân xác, vẫn còn liên hệ với cái thân xác không thể kiểm soát này thì đau khổ vẫn còn liên tục tiếp diễn.                

Thí dụ, để bảo vệ đôi chân khỏi giẫm phải đá nhọn trên đường chúng ta phải mang giầy dép. Nhưng sự kiện này không hoàn toàn chấm dứt vấn đề. Chính đôi giầy cũng thường mang lại cái đau. Chúng có thể làm đau những ngón chân hoặc cho chúng ta những lúc không thoải mái. Đây hoàn toàn không phải lỗi lầm của những bác thợ giầy. Nếu chân của chúng ta không dài quá, lớn quá, nhậy cảm quá thì những đôi giầy thời trang kia phải hoàn toàn thoải mái cho chúng mới đúng. Như vậy, nếu chúng ta nhìn sâu vào vấn đề chúng ta sẽ khám phá ra cái nguồn gốc không thoải mái này không phải tại những lý do ở bên ngoài mà thực sự những nguyên nhân đang nằm sâu trong cơ thể và tinh thần của chúng ta, chính cơ thể và tâm thần của chúng ta tạo ra tình trạng không thoải mái này.

Đây chỉ là một thí dụ về kinh nghiệm đau khổ qua thân xác của chúng ta. Từ khi sinh ra đến khi lìa cõi đời này, chúng ta đã phải dùng biết bao nhiêu sức lực để bảo vệ cái thân xác này khỏi đau khổ. Thật ra, tất cả mọi người chúng ta chỉ dùng thời giờ để bảo vệ cái thân xác này một cách vô ích, không hữu hiệu, hoàn toàn không mang lại một kết quả nào. Mục  đích của thiền không phải để bảo vệ cái thân xác này. Không bao giờ nên  nghĩ như vậy. Nó có một mục đích cao hơn, giá trị hơn. Dùng thiền để chữa bệnh thân xác hay mưu cầu lợi ích bề ngoài thì thật là vô nghĩa lý và làm mất đi sự diệu dụng của một phương tiện thiện xảo, dùng như vậy nó chỉ cho chúng ta một giá trị nhất thời giống như dùng thuốc aspirin để chữa bệnh nhức đầu. Bệnh nhức đầu có thể hết nhưng không có nghĩa là chúng ta được bảo đảm hoàn toàn. Một thời gian sau nó sẽ trở lại bởi vì phương pháp điều trị này không có khả năng chấm dứt tận gốc rễ của vấn đề, vì thế sự giải quyết chỉ có tính cách tạm thời. Vì sự dễ chịu nhất thời và sự giảm đau tạm có thể dùng những phương tiện bên ngoài, nên không cần phải dùng đến thiền định hay bất cứ một sự thực hành tâm linh nào cho mục đích đó. Chúng ta không nên phung phí sức mạnh của thiền định cho những mục đích hạn hẹp như vậy.

Mục đích chính của thiền là trị bệnh tâm. Mặc dầu thân xác và tâm của chúng ta có những liên hệ nội tại nhưng chính chúng cũng có những hiện tượng hoàn toàn khác nhau. Thân xác của chúng ta là một đối tượng mà mắt của chúng ta có thể nhìn thấy được, nhưng tâm thì không như vậy. Những thành phần trong một gia đình có thể có những nét giống nhau, nhưng mỗi một đứa trẻ lại có một cá tính khác nhau, đức tính khác nhau, sở thích khác nhau...vân vân... Mặc dầu cùng học chung một trường nhưng sự thông minh, sự hấp thụ bài học của mỗi học sinh lại hoàn toàn khác nhau, vì chúng ảnh hưởng từ cha mẹ hay ông bà chúng. Sự khác biệt tinh thần không thể giải thích bằng những phương pháp vật lý.

Một điều cũng cần nói đến ở đây, có những đứa trẻ nhớ rất rõ và chính xác những gì xẩy ra trong kiếp trước của chúng. Chúng có thể nói nơi nào chúng đã sinh ra, chúng sinh sống như thế nào ...vân vân... chúng còn có thể nhận diện được người và sự vật trong kiếp trước của chúng. Những sự kiện này có thể kiểm chứng được, đây là những bằng chứng hiển nhiên và xác thực cho bất cứ người nào muốn nghiên cứu lãnh vực này với một tâm vô tư không thiên kiến.

Trong bất cứ trường hợp nào cũng đều có một lý do ẩn sâu khác biệt ở tính bẩm sinh của mỗi thành phần trong gia đình, ở mỗi người và đặc biệt ở một số trẻ chúng nhớ được những kiếp trước của chúng, tất cả những sự kiện này cho chúng ta biết một sự thật: tâm của chúng ta không có một chỗ bắt đầu nhất định. Kiếp trước thật sự có. Chúng ta không đi sâu vào vấn đề huyền bí ở đây về sự tiếp nối của kiếp này và kiếp khác, một điều quan trọng cần nhớ là: tâm của chúng ta liên tục từ kiếp này qua kiếp khác, vậy thì nó có thể mang những gì ở hiện tại qua tương lai. Đời sống của chúng ta trong hiện tại là kết quả từ những hành động, của cả tinh thần lẫn thể xác, mà chúng ta đã tạo ra trong kiếp trước. Cũng như thế, những hành động của chúng ta đang làm trong kiếp này sẽ xác định đời sống cho kiếp sau của chúng ta. Vì thế, trách nhiệm hình thành tất cả những gì trong cuộc sống đang nằm trong tay của chính chúng ta. Thật là vô cùng quan trọng khi nhận ra được vấn đề này nếu chúng ta muốn đi tìm những ý nghĩa đích thực cho việc cắt đứt toàn diện những đau khổ tinh thần lẫn thể xác.

Mỗi một người chúng ta đã từng sinh ra làm người. Như vậy, chúng ta có cơ hội đem lại cho đời sống của chính chúng ta một ý nghĩa và mục đích. Để chiếm lấy tất cả những lợi ích này, chúng ta cần phải đi ngược lại những gì mà loài thú thấp hơn có thể làm được. Nhờ hiểu biết về sự tái sinh và nhờ kiểm soát được tâm của chính mình, chúng ta có thể kiếm tìm được căn nguyên của tất cả mọi đau khổ. Chúng ta có thể giải thoát khỏi vòng luân hồi chết và tái sinh chỉ trong một vài kiếp sống. Chúng ta cứ phải trôi lăn vào vòng sinh tử mà không có một sự lựa chọn hay kiểm soát nào, nó là như vậy, chúng ta đã kinh nghiệm biết bao nhiêu là đau khổ về một cái thân xác không thể kiểm soát được. Nhưng với một ý chí quyết tâm thực hành, cái vòng luân hồi này sẽ bị phá hủy hoàn toàn, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi đau khổ và bất mãn một cách trọn vẹn viên mãn.

Tuy nhiên, chỉ chạy trốn khỏi luân hồi sinh tử cho chúng ta thôi thì không được, chưa đủ. Đây không phải là một cách áp dụng khôn ngoan cho đời sống làm người của chúng ta. Không phải chỉ một mình chúng ta bị đau khổ và bất mãn mà tất cả những chúng sinh khác cũng đang chịu như chúng ta. Nhưng, hầu như họ thiếu trí tuệ -con mắt Đạo pháp- để tìm con đường đúng mà chấm dứt hoàn toàn đau khổ. Không trừ một ai, tất cả mọi chúng sinh trên mặt đất này đều dành trọn vẹn cả cuộc đời để tìm cách thoát khỏi khổ đau, tìm kiếm hạnh phúc và an lạc. Nhưng tâm của họ tràn đầy u minh tăm tối, sự kiếm tìm của họ rơi vào hão huyền lạc lõng. Tâm vô minh, thay vì hướng dẫn họ đi tới mục tiêu phúc lạc, nó lại dẫn họ từ khổ đau này đến bất mãn khác. Họ cố gắng loại bỏ những nguyên nhân của khổ đau, nhưng bất hạnh thay mỗi ngày họ lại đi xa niết bàn hơn.

Tất cả chúng sinh đều bị khổ và đều mong muốn thoát khổ như chính chúng ta. Nếu chúng ta nhận thức được điều này, chúng ta sẽ hiểu được sự ích kỷ của chúng ta khi chúng ta chỉ mong giải thoát, vào niết bàn một mình. Tốt hơn chúng ta hãy cầu mong cho tất cả đều được giải thoát. Nhưng trước khi có thể dẫn dắt người khác vào con đường chấm dứt khổ đau, chính chúng ta phải là người giác ngộ trước. Nói khác đi, chính chúng ta cần phải tinh tiến trên con đường tu tập giải thoát để có thể hướng dẫn người khác.

Vấn đề này có thể cắt nghĩa như sau: gỉa sử chúng ta muốn đem một người bạn đi ngắm cảnh ở một công viên nào đó, nếu chúng ta bị mù thì không có cách chi chúng ta có thể dẫn cô ta đến đó được, mặc dầu chúng ta muốn lắm. Điều kiện tiên quyết là chúng ta phải có một cặp mắt tốt và phải biết đường đi đến công viên. Cũng giống như vậy, chúng ta phải có kinh nghiệm về con đường giác ngộ trước khi chúng ta có thể chỉ cho người khác, mỗi người sinh ra khác nhau, từ tính tình cho đến đời sống, nên con đường dẫn đến giải thoát cũng khác nhau.

Vậy, mỗi khi nói về mục đích của thiền định là chúng ta nói về sự đạt giác ngộ, một sự thành đạt chẳúng những cho chính chúng ta mà còn cho tất cả những người khác nữa. Đây là mục đích và cũng là lý do chính yếu khi chúng ta bước chân vào con đường thiền định. Tất cả các vị đạo sư du gìa cũng như tất cả các bậc thầy về thiền định trong qúa khứ đều đã thực hành Đạo pháp theo tâm nguyện đó. Giống như vậy, khi chúng ta bước chân vào con đường thiền định - theo Đức Phật, có hàng ngàn hàng ngàn phương pháp thực tập thiền định khác nhau, tùy theo căn cơ của mỗi người - chúng ta nên có những động năng thúc đẩy này.

Sự thực hành tâm linh thật là cần thiết. Chúng ta không thiền chỉ vì bắt chước một phe nhóm nào, một người nào hay ngay cả vì Thượng đế. Nhưng chỉ vì trách nhiệm của chúng ta đối với chính sự đau khổ của chúng ta, chính chúng ta chịu trách nhiệm bảo vệ chúng ta. Chúng ta tự đứng lên đi tìm hiểu chính mình và cũng chính chúng ta tạo ra hoàn cảnh cho mình để tự giải thoát. Do đó, vì đau khổ đã dày vò cuộc đời chúng ta, nên chính chúng ta phải làm một cái gì cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta. “Một cái gì” này chính là sự thực hành tâm linh, hay nói một cách khác, chính là thiền định. Nếu chúng ta không quay trở vào bên trong để huấn luyện tâm ta mà cứ dồn hết năng lực vào việc sắp xếp rồi lại sắp xếp những chương trình cho cuộc đời vật chất hiện tại này thì khổ đau vẫn còn đó, cứ mãi mãi tiếp tục. Khổ đau không có chỗ bắt đầu, nếu không thực hành một phương pháp tâm linh hữu hiệu thì khổ đau cũng không có chỗ chấm dứt.

Nói một cách tổng quát, thật là khó thực hành Đạo pháp trong một môi trường sống tràn đầy vật chất như ngày nay. Vì có qúa nhiều trở ngại, có qúa nhiều điều hấp dẫn hơn sự tu tập thiền định. Tuy nhiên, căn bản của những điều cản trở này lại không phải là nguyên nhân và môi trường của chính nó. Khổ đau không tại những nhà máy trong khu kỹ nghệ, nó không phải tại đồ ăn thức uống của chúng ta, cũng không phải tại bất cứ cái gì khác. Nó đang nằm ngay trong tâm của chính chúng ta. Đây là điểm rất ngạc nhiên cho tôi trong thời gian này, chuyến thăm viếng đầu tiên của tôi qua Tây phương, để thấy tận mắt bên cạnh sự tiến bộ vật chất là sự thích thú thực hành Đạo pháp và thiền định trong nhiều chiều hướng khác nhau của người Tây phương. Có rất nhiều người chân thành đi tìm một ý nghĩa cao cả hơn cho cuộc đời của con người, họ cố gắng chuyển hóa mỗi ngày. Với lòng ngưỡng mộ đặc biệt, tôi nghĩ  rằng đây là một việc làm rất khôn ngoan khi con người biết cố gắng hoà hợp đời sống vật chất và đời sống tinh thần, có một đời sống sâu xa về nội tâm cũng như một đời sống đầy đủ tiện nghi cho thể xác. Với những người như vậy đời sống chắc chắn không phải là một sự hứa hẹn trống rỗng.

Món ăn mà được chế tạo bởi nhiều thực phẩm khác nhau thì chắc chắn phải ngon. Cũng vậy, nếu chúng ta có những công việc làm, có những hoạt động và cố gắng thật nhiều cho việc kiện toàn con đường tâm linh theo Đạo pháp thì đời sống của chúng ta thật là phong phú. Sự lợi lạc, ơn ích mà chúng ta có được nhờ biết kết hợp hai lãnh vực này thì thực là vĩ đại bao la.

Có một sự khác biệt rất lớn giữa tâm, xúc cảm và những kinh nghiệm của một người biết áp dụng Đạo pháp vào cuộc đời của họ và một người không biết áp dụng. Trong lúc phải đương đầu với những khó khăn của cuộc sống tràn đầy vật chất này, người biết áp dụng Đạo pháp sẽ ít lầm lẫn hơn và kinh nghiệm cuộc đời ít đau khổ hơn. Họ biết kiểm soát tâm và biết phải làm gì ở bên trong tâm của họ để sẵn sàng giải quyết những vấn đề xẩy ra một cách thành thạo, khôn ngoan. Sự áp dụng này không phải chỉ cần cho đời sống thường ngày của họ mà đặc biệt ngay cả trong lúc họ chết.

Nếu chúng ta không bao giờ thực hành đời sống tâm linh thì chúng ta sẽ không bao giờ huấn luyện được tâm của chúng ta qua kỷ luật thiền định, rồi khi sự chết đến, chúng ta sẽ phải chiến đấu rất gay go. Sự lợi ích quan trọng nhất mà một người thực hành Đạo pháp có được là họ coi cái chết như là một cuộc hành trình đầy vui thú trở về nhà. Nó giống như là đi đến dạo chơi trong một công viên tuyệt đẹp. Và ngay cho cả những người chưa đạt giác ngộ trong thiền định thì cái chết đối với họ cũng nhẹ nhàng, không đáng sợ hãi. Có những người đối diện sự chết --chúng ta không thể tránh được -- với một cái tâm thật bình thản. Họ không sợ hãi chút nào, không lo âu về những điều mà họ sẽ gặp hay về những người thân yêu, về của cải và ngay cả về chính thân xác của họ. Trong cuộc đời này chúng ta đã kinh nghiệm sự sinh ra và bây giờ chúng ta đang kinh nghiệm về tiến trình gìa. Chỉ duy nhất có một sự kiện mà tất cả chúng ta đang phải đi đến chính là sự chết. Vì thế, sự thực hành tâm linh sẽ giúp chúng ta đối diện với một sự kiện không thể tránh được một cách bình thản an nhiên, như vậy sự thực hành thiền định mới có ích lợi -- mặc dầu nó còn có những mục đích cao hơn nữa mà chúng ta có thể áp dụng.

Để tóm tắt, không còn một sự kiện bên ngoài nào của thiền định có vẻ quan trọng hơn nữa. Mặc dù chúng ta ngồi xếp tay theo kiểu này hay xếp chân theo kiểu kia thì cũng chỉ có một chút ảnh hưởng mà thôi. Điều vô cùng quan trọng trong con đường tu tập là kiểm soát xem, theo dõi xem phương pháp thiền định mà chúng ta đang áp dụng có thực sự giải thoát chúng ta ra khỏi đau khổ hay không. Nó có chấm dứt những sự kiện hão huyền, huyễn ảo đang diễn ra ở trong tâm của chúng ta không? Nó có chấm dứt được tham sân si không? Nếu nó thực sự giúp chúng ta giảm được những thái độ tiêu cực của tâm thì đó là sự thiền định hoàn hảo, sự thực hành đúng và có giá trị. Nhưng, nói một cách khác, nếu nó chỉ làm tăng thêm những thái độ tiêu cực, xấu (như tăng lòng kiêu mạn,) thì đó lại là một nguyên nhân khác đem lại đau khổ. Trong trường hợp này, dù chúng ta có nói là chúng ta đang thiền, đang tham dự những khóa tu tập, thì đó chẳng phải là thực hành tâm linh hay thực hành Đạo pháp một chút nào.

Đạo pháp hướng dẫn chúng ta ra khỏi khổ đau, ra khỏi những sự rắc rối. Nếu sự thực hành không dẫn chúng ta theo đường hướng này thì đã có một cái gì sai lầm trong đó mà chúng ta cần phải khám xét lại. Thực ra, cốt tủy của việc thực hành Đạo pháp của tất cả các vị hành gỉa là khám phá xem những hành động nào của họ mang lại khổ đau và những hành động nào của họ là nguyên nhân của hạnh phúc. Từ đó, họ áp dụng sự thực hành vào việc tránh khổ đau và tạo thêm hạnh phúc càng nhiều càng tốt. Đây mới là cốt tủy của thiền định, đây mới là tinh yếu của Đạo pháp.


Tóm lại, tất cả chúng ta là những người bắt đầu bước chân vào con đường thực hành Đạo -- bắt đầu thiền định và thực tập kiểm soát tâm -- chúng ta cần phải tin tưởng vào những nguồn giáo lý, những sự dậy bảo. Chúng ta nên đọc những cuốn sách có giá trị, khi có sự nghi ngờ hay thắc mắc, chúng ta nên hỏi những bậc thầy, những bậc đã thực sự tu tập, chuyên cần thực hành và đã có những chứng nghiệm trên con đường tâm linh mà họ đi. Đây là một điều vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta chỉ theo sự chỉ dẫn của sách vở thì đây là một việc vô cùng nguy hiểm cho con đường tu tập của chúng ta. Ngay cả việc chọn lựa một vị thầy, một vị đạo sư hay một vị lạt ma. Hãy chọn cho đúng. Họ phải là những người có thực chứng, đã từng thực hành và sống trong Đạo pháp.

Sự thực hành thiền định của chúng ta, sự thực hành con đường tâm linh của chúng ta không thể tiêu cực, không thể có những thái độ thụ động được. Chúng ta không thể nào phá vỡ được sự kiên cố của đau khổ bằng một sự mù quáng, nhẹ dạ khi đặt niềm tin vào một vị nào đó --ngay cả một đại sư -- bảo chúng ta làm điều này, việc kia. Tốt hơn chúng ta nên sử dụng sự thông minh nội tâm của chính chúng ta để xác nhận, để tìm kiếm những phương pháp thích hợp hầu mang lại nhiều kết qủa hơn. Nếu chúng ta đã có đầy đủ những lý do tốt lành để tin tưởng rằng sự dậy bảo này có giá trị và hữu ích thì chúng ta nên thực sự thiết tha và chân thành theo đuổi nó. Giống như việc chọn thuốc, một khi chúng ta đã chọn được đúng loại thuốc chữa lành căn bệnh của chúng ta thì chúng ta phải dùng ngay lập tức. Nếu không, chúng ta cứ uống đại bất cứ loại thuốc nào mà chúng ta có thì chúng ta chẳng những không khỏi bệnh mà còn mang thêm bệnh vào người.

Đây là lời khuyên cuối cùng của tôi cho những người nào muốn bước chân vào con đường thiền định và tu tập Đạo pháp. Con đường tâm linh rất là thâm diệu bao la, nếu chúng ta không thể thực hành Đạo pháp mà chỉ học hỏi tìm hiểu nó thôi thì nó cũng hữu ích cho cuộc đời của chúng ta rất nhiều. Đó là tất cả những gì tôi muốn chia sẻ.