Ba cõi không an như nhà lửa. Đâu miền chân lạc khỏi tang thương. Người vô thường, cảnh vô thường. Khuyên gọi cùng nhau tỉnh mộng. Quay về biển giác thanh lương.
NĂNG LỰC TRÍ TUỆ Những Lời Dạy Căn Bản Của Phật Giáo Nguyên tác: WISDOM ENERGY, BASIC BUDDHIST TEACHINGS Lama Yeshe và Lama Zopa Rinpoche - Vô Huệ Nguyên dịch Wisdom Publications xuất bản

 
4.   VỌNG TÂM PHÁT SINH NHƯ THẾ NÀO
Mục đích của thiền định là để có trí tuệ hầu chấm dứt tất cả những ảo tưởng và u mê. Trước tiên, sự chấm dứt này tùy thuộc vào ta có nhận ra được đặc tính và sự làm việc của vọng tâm hay không. Thêm vào đó, cần phải hiểu rằng có rất nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến sự phát sinh một tâm huyễn ảo.Theo quan niệm này, Je Tsongkhapa ( Đại Lạt Ma của Tây Tạng sống vào thế kỷ 15, Ngài sáng lập ra các truyền thống tu tập Lamrim và Ngagrim --Dg)  liệt kê sáu yếu tố, sáu động lực có ảnh hưởng mạnh đến việc phát sinh ra ảo tưởng: (1) nghiệp lực, (2) đối tượng, (3) ảnh hưởng của xã hội, (4) tuân theo những lời dậy bảo sai lầm, (5) thói quen và (6) do những ý niệm sai lầm.

Nguyên nhân cốt tủy phát sinh ra vọng tâm là những dấu ấn của nghiệp lực đã để lại trong tiềm thức của chúng ta bởi những hành động không tinh khiết trong qúa khứ. Vì những hành động trước kia đã được hoàn thành trong vô minh, được điều động bởi lòng tham lam, sân hận hoặc do muôn vàn những ảo vọng khác; có qúa nhiều dấu ấn - hạt giống của nghiệp - đã được trồng trong tâm của chúng ta. Mỗi khi gặp điều kiện thích hợp, những hạt giống này nảy mầm là vọng tâm lại phát sinh.

Chính đối tượng là yếu tố thứ hai giúp cho sự nảy mầm này. Mỗi khi đối tượng đến gần ta cộng với nghiệp đã có sẵn trong tâm ta là, bang! ảo tưởng phát sinh, vọng tâm thành hình. Thí dụ, một việc thường xẩy ra là khi chúng ta đi mua sắm, đi shopping. Đối tượng (hàng hoá) sắp sẵn trên kệ, chúng đập vào mắt ta, ngay trước khi chúng ta chưa kịp nhận diện được cái gì đang xẩy ra thì tâm của chúng ta đã bị chìm đắm trong đối tượng. Chúng có thể ẩn sâu trong nhiều ngõ ngách và rất khó phân biệt đâu là tâm và đâu là đối tượng ham muốn; tay của chúng ta đã tự động cho vào túi lấy tiền để mua, có khi còn chưa kịp nhận ra chúng ta đang làm gì. Thật là đơn giản, phải không qúy vị? Vậy, mỗi khi chủ thể (tâm) có liên hệ với đối tượng là ngay lập tức ảo vọng bùng nổ như một trái bom nguyên tử.

Ở Tây phương cái gì cũng xôi động, cũng nhanh, cũng được phóng đại ra nên cái vọng tâm càng hoạt động nhiều hơn nữa. “Hãy nhìn đây, thật là tuyệt hảo ! Thật là vĩ đại !” Kỹ thuật quảng cáo qúa tinh vi qúa hấp dẫn và được dùng thường xuyên đến nỗi khi chúng tôi muốn trình bày về thiền, chúng tôi cũng phải quảng cáo, “ Thiền định thật là tuyệt vời! Tâm của chúng ta thật là lạ thường! Kính mời qúy vị đến tham dự buổi thuyết trình để học hỏi về chúng.” Hình như văn hoá của Tây phương qúa nhiều đối với tôi.

Đức Phật đã cho chúng ta một cái tên thật là đơn giản cho vấn đề này. Ngài gọi cõi giới mà chúng ta đang sống là “cõi dục”, thế giới của dục vọng. Thật là rõ ràng và dễ hiểu tại sao Ngài lại gọi nó như vậy. Thế giới của dục vọng -- dục vọng là ở đây! Mỗi khi tâm vọng tưởng tiếp xúc với vật được ham muốn là ngay lập tức nó bị hướng dẫn vào u mê, vào say đắm, đã u mê lại càng u mê hơn. Đó là lý do tại sao Milarepa ( đại thiền giả, đại thi sĩ của Tây tạng sống vào thế kỷ thứ 11-- Dg) đã vào hang cốc để ở. Ngài đã biết mỗi khi tâm vọng tưởng tiếp xúc với vật được ham muốn là ngay lập tức nó không còn được kiểm soát nữa. Đó là lý do ngài cho rằng tốt hơn nên tránh tất cả những tiếp xúc cho tới khi tâm đã được hoàn toàn thanh tịnh.

Đối tượng làm nguyên nhân cho sự khởi phát một tâm vọng tưởng chắc chắn phải có sự liên hệ với nghiệp lực. Đây là lý do mà chúng được gọi là “vật liên hệ, sự kiện liên đới.” Thí dụ, có thể chúng ta đã có một nghiệp lực liên kết nào đó ở trong tâm của chúng ta, nghiệp này được đánh thức bởi những ham muốn, nhưng lại không được đánh thức bởi những gía trị mâu thuẫn hoặc khác biệt với nó. Như vậy là chủ thể tâm đã có sự ràng buộc về nghiệp với đối tượng. Nếu không có sự tiếp xúc (duyên) với đối tượng thì chủ thể ảo tưởng không thành hình .

Yếu tố thứ ba được Lạt ma Tsongkhapa nói đến là những sự ảnh hưởng từ bên ngoài. Tính tiêu cực, sự sai lầm của những người chung quanh là nguồn gốc của ảo vọng. Những người chúng ta quen biết, những người chúng ta tiếp xúc hàng ngày thường đem đến cho chúng ta những lầm lạc, những tin tức không đúng sự thật. Do đó, khi tiếp xúc với bạn bè hay thân cận với bất cứ một người nào cũng phải vô cùng thận trọng. Thí dụ, nếu tất cả những người chung quanh chúng ta đều say sưa rượu chè thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng không ít thì nhiều. Nếu chúng ta có đủ lực để kiểm soát tâm thì sẽ bị ảnh hưởng ít, nếu không chúng ta cũng sẽ buông xuôi trong một sớm một chiều.

Thật khó mà giữ được sự kiểm soát lâu dài đối với những ảnh hưởng mãnh liệt. Nếu chúng ta thật tình muốn khám nghiệm đời sống chúng ta, tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ tìm ra rất nhiều những thí dụ loại này. Sự ảnh hưởng này không có giới hạn cho cả bạn xấu cũng như bạn tốt. Trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta gặp rất nhiều “những loại thầy” này, họ toàn là những người cung cấp thêm ảo tưởng cho chúng ta. Do đó, phải rất thận trọng khi chung sống với những người chung quanh, họ phải là những người cho chúng ta những rung động đúng, những rung động của trí tuệ. Còn không, cả đời sẽ chỉ tiếp xúc với ô nhiễm, với những làn sóng lầm lạc, u mê. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải hoàn toàn buông bỏ tất cả những người bạn xấu hoặc ghét họ hay nghĩ xấu cho họ. Không, hoàn toàn không nên có phản ứng như vậy. Hãy luôn luôn phát tâm từ bi. Chúng ta nên nhớ rằng chúng ta cũng đã bị ô nhiễm; chúng ta không nên đỗ lỗi cho bất cứ ai. Sự ảnh hưởng của họ chỉ làm cho ô nhiễm càng ngày càng dầy thêm mà thôi.

Tâm của người Tây phương thật hấp dẫn, thật lạ lùng. Nó rất thực tế, nó nghi ngờ tất cả mọi thứ. Đây có thể là phong cách tốt, ngay cả với những sự kiện sai sự thật. Nhưng, tâm của họ cũng thật xa thực tế. Nếu nó nhìn ra được một sự kiện tốt, một hình ảnh đúng ở bên cạnh thì nó sẽ không ngần ngại gì mà không chấp nhận ngay toàn thể vấn đề là tốt. Thái độ này rất nguy hiểm. Họ nhận xét, tất cả những nền triết lý, giáo điều của các tôn giáo ít ra nó cũng có điểm tốt. Ngay cả một kẻ xấu nhất trần gian cũng có một cái gì đó tốt ở trong họ. Do đó, một cái tâm chạy lung tung không được kiểm soát khi nó tìm ra được một điểm nào tốt, nó liền vồ chụp ngay lập tức, hành động này chẳng đúng chút nào.

Tôi không hiểu tại sao, nhưng hình như tâm của người Tây phương pha trộn nhiều thứ; nó pha trộn rất nhiều hương vị khác nhau thành ra nó rất hấp dẫn. Xin qúy vị thử khám nghiệm xem nhận xét này có đúng không. Trong bất cứ trường hợp nào, thái độ này cũng có thể gây ra rắc rối hoặc phiền toái. Thí dụ, có thể anh đang chú tâm lắng nghe một người đang diễn tả một tư tưởng mà thực ra nó hoàn toàn sai lạc. Anh nghĩ, “Chẳng cần biết họ nói đúng hay sai nhưng nó thật hấp dẫn. Hãy cứ để ông ta nói thêm đi.” Tôi cho rằng tâm của người Tây phương như vậy -- một sự hiếu kỳ lạ thường và sẵn sàng nghe bất cứ gì. Nhưng thực ra, mỗi một ý niệm sai lầm, mỗi một tin tức sai lạc mà chúng ta chấp nhận theo kiểu này, đều làm cho tâm vọng tưởng của chúng ta mỗi dầy thêm. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng thái độ này vô cùng nguy hiểm.

Tất cả những liên hệ đến yếu tố thứ tư làm nguyên nhân cho sự phát sinh một cái tâm vọng tưởng là nghe theo những sự dạy bảo sai lạc. Yếu tố này khác với yếu tố trước, yếu tố thứ ba, là nó đặc biệt chú trọng đến sự chọn lựa ai và cái gì có ảnh hưởng xấu đến chúng ta. Yếu tố thứ ba đề cập một cách tổng quát đến kiểu sống của chúng ta, đến hoàn cảnh sống của chúng ta. Tuy nhiên, yếu tố thứ tư đề cập đến sự tin tưởng đặc biệt vào một vị thầy rồi lắng nghe và tuân theo những ý niệm sai lầm mà ông ta giảng dạy.

Thí dụ, trong thời Đức Phật Thích Ca sống có một người đã dùng một phương pháp rất quái đản để tìm giải thoát, ông ta đi gặp một vài vị thầy. Thầy của ông bảo ông hãy đi giết một ngàn người rồi lấy những ngón tay mà làm xâu chuỗi, “Khi nào xong việc, anh hãy trở lại để nhận bài học khác.” Người đàn ông này tên là Angulimala, tin tưởng vào lời dậy bảo của thầy, đã giết đến 999 người trước khi gặp Đức Phật, Phật chỉ cho ông cách thực hành Đạo Pháp chân thật. Do đó ông đã vô cùng hối hận và sầu khổ vì sự tin tưởng mù quáng của mình.

Những lời dậy bảo, về bất cứ loại nào, đều có thể rất hấùp dẫn. Nhưng khi con người đi tìm sự thích thú ở sự vật thì thường thường đó chỉ là lòng ham muốn, mong cầu. Điều này thấy rất rõ ở những đứa trẻ. Trước khi những đứa trẻ Tây phương đi ngủ chúng thường được cha mẹ chúng đọc cho nghe những câu chuyện. Phải đúng như vậy không qúy vị? Những câu chuyện nghe thật hay, thật hấp dẫn, nhưng hầu như toàn là chuyện vớ vẩn. Trẻ con rất nhậy cảm và thích mơ mộng theo chuyện thần tiên. Chúng tin những chuyện đó là có thật và dĩ nhiên chúng được in sâu vào trong tâm khảm. Phần nhiều các bậc cha mẹ không để ý đến điều này, họ thường nghĩ, ”Không sao đâu, miễn là chúng thích và ngủ đi là được rồi.” Họ không biết cái hậu qủa gì đang diễn tiến trong tâm trí của đứa trẻ, cái hậu qủa gì đang sản xuất ra trong tâm của chúng. Điều quan trọng là chúng ngủ càng nhanh càng tốt để cha mẹ được rảnh rỗi, để cha mẹ được ngủ yên, đừng quấy rầy là tốt rồi. Nhưng điều này chẳng đúng một chút nào. Thật là chẳng tốt lành một chút nào khi cho con mình một mớ kiến thức rác rưởi. Chỉ cho con mình thêm ảo vọng và làm cho tâm vọng tưởng của chúng càng ngày càng dầy thêm.

Dĩ nhiên, nếu chúng ta là người có trí tuệ, chúng ta đọc bất cứ tư tưởng rác rưởi nào cũng không bị ảnh hưởng. Chúng ta có thể nghiệm ra điều này mà không cần phải giải thích thêm. Không có chuyện gì xẩy ra. Nhưng khi chúng ta qúa ham thích, quá ước ao --”Thích quá, thích quá, kể nữa đi !” thì nó lại in rất sâu vào tâm của chúng ta. Đây là một điều vô cùng thiếu sót của trí phân biệt, nó không biết phân biệt rõ ràng cái gì tốt cái gì xấu. Chúng ta đã thu nhận tất cả mọi thứ mà không cần biết đúng sai, chúng ta đã không có óc nhận xét.

Các loại thu nhận khác cũng y như vậy. Thu nhận qúa nhiều, nhưng không dùng được, toàn là rác rưởi, không biết phân biệt cái gì lợi cái gì hại. Hầu như  tất cả các sản phẩm văn hóa của người phương Tây như sách vở, báo chí, phim ảnh, truyền thông ...vân  vân... đều có khuynh hướng sản xuất thêm, tạo thêm sự ham muốn và u mê. Dĩ  nhiên, cũng có những điểm ngoại trừ trong một số phim ảnh. Nhưng hầu như tất cả đều được sản xuất ra theo thị hiếu, theo sự ham thích của con người, theo cái gì mà tâm u mê đòi hỏi ---tất cả đều chạy theo lòng ham muốn của con người. Các nhà sản xuất loại phim ảnh này, sách vở này đều hiểu thấu tâm lý của con người. Họ biết rất rõ cái gì mọi người đang muốn, đang mê và cái gì sẽ làm cho con người càng ngày càng đi vào cảnh mê mờ ảo vọng hơn là những cái họ đã là.

Tóm lại, tất cả những ý niệm sai lầm và tất cả những tin tức sai lạc là những nguyên nhân đem lại ảo tưởng, vọng tưởng cho tâm nếu tâm thiếu một trí phân biệt sáng suốt. Thí dụ, chúng ta đã nhận qúa nhiều tin tức từ các máy truyền hình, nó đã khích cho chúng ta trở nên hăng say, háo hức. Đôi khi nó hấp dẫn đến độ chúng ta phải đi ngay, phải vội vã kẻo hết! Vậy, tất cả những tin nào khích động chúng ta thêm hào hứng, thêm hăng say, chúng ta càng nên tránh, càng phải đề phòng.      
Yếu tố làm tăng thêm sức mạnh cho huyễn ảo chính là các thói quen của chúng ta. Thói quen được tạo ra như thế này: trong một lúc nào đó chúng ta có được một kinh nghiệm với một vật hoặc một sự kiện, khi chúng ta gặp lại đối tượng giống như vậy, chúng ta lặp lại kinh nghiệm thứ nhất, rồi mỗi lần lặp đi lặp lại làm cho hành động này tăng thêm sức mạnh trong ký ức, in sâu hơn vào tiềm thức, cho tới một ngày chúng trở nên mạnh đến độ có thể ảnh hưởng đến tất cả những suy nghĩ và những tưởng tượng của chúng ta. Thói quen xây đắp những thành trì vững chắc đến nỗi khi một hiện tượng xẩy ra gần giống như vậy là tâm của chúng ta liền tự động chạy theo ảo tưởng. Có những người trở nên rất mẫn cảm, u mê và say đắm  những loại ảo vọng này đến nỗi họ không lúc nào quên được. Tại sao nó lại xẩy ra như vậy? Tại vì kinh nghiệm đã được lặp đi lặp lại rất nhiều lần làm cho dấu ấn trong tiềm thức càng ngày càng dầy thêm, đậm thêm. Tâm chìm sâu trong sự tích trữ kinh nghiệm, bồi bổ thêm cho ảo tưởng. Họ không thể ngủ nếu thiếu những ảo ảnh này xuất hiện trong những giấc mơ của họ. Tôi tin chắc rằng tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về những hiện tượng này. Nếu những thói quen được lặp lại thường xuyên và khi những dấu ấn đã đủ mạnh là chúng ta sẽ trở nên gắt gỏng nóng giận ngay.

Đôi khi đối tượng huyễn ảo còn tự nó in sâu vào trí tưởng tượng của chúng ta. Thí dụ, bên Tây phương, khi người ta đã trở thành bạn trai bạn gái với nhau, người ta thề thốt, ” Xin đừng quên anh/em! Hãy nhớ anh/em luôn nghe. Nếu anh/em quên em/anh, có nghĩa là anh/em không còn yêu em/anh nữa.” Đó là lý do tại sao chúng ta không có tự do. Chúng ta có thể thấy rất rõ chúng ta không có tự do, bởi vì chúng ta đã bị sở hữu bởi đối tượng.

Yếu tố thứ sáu là những ý niệm, chúng ta đã có sẵn những ý niệm trong tâm khảm, chúng đã rất hấp dẫn trước khi đối tượng xuất hiện. Khi nhớ về một vấn đề gì, chúng ta đã có sẵn một phán đoán về nó: “ Cái này tốt lắm! Nó thật là tuyệt! Nó tốt như thế này, nó hoàn hảo như thế kia, nó thế này nó thế kia....” Chúng ta ca tụng giá trị của nó qúa đáng so với giá trị thực của nó. Đó chính là sản phẩm của một ý niệm sai lầm.

Thí dụ, khi chị có bạn trai là chị đã bị lệ thuộc. Chị sẽ thấy dáng đi của anh ta hấp dẫn, thân hình của anh ta tuyệt đẹp. Cái gì từ anh ta cũng đáng ca ngợi, ngay cả khi anh ta làm cái gì xấu thì cái đó cũng là nguồn hạnh phúc của chị. Vì chị chỉ chú trọng đến sự hấp dẫn của anh ta nên những hình ảnh tiêu cực về anh ta đều bị loại bỏ.

Tâm của chị sẽ làm việc như vậy cho đến một ngày nào đó người bạn trai này nói xấu chị, không làm chị thỏa mãn,  chị mới bắt đầu đổi thái độ. Lúc đó chị sẽ nghĩ, “Anh ta chẳng tốt chút nào.” Rồi tâm của chị chỉ chú ý vào ý tưởng này “Không tốt, không tốt, thằng đểu....” tất cả những gì tốt ở anh ta bắt đầu xuất hiện ngược lại; anh ta không còn có gì hấp dẫn chị nữa. Chúng ta thấy hiện tượng này rất rõ, phải vậy không qúy vị? Tâm vọng tưởng của chúng ta làm việc không thể tưởng tượng nổi. Trước tiên, một đối tượng xuất hiện một cách hoàn toàn tích cực (tốt) rồi nó chuyển thành tiêu cực (xấu). Nhưng tôi nghĩ rằng không có một cái gì, không có một chúng sinh nào hoàn toàn tích cực cũng như hoàn toàn tiêu cực cả. Tất cả mọi sự đều có tốt có xấu. Chỉ có cái tâm chấp hữu mới nhìn sự vật hoặc trắng hoặc đen, chỉ có cái tâm bám víu mới nhìn sự vật hoặc xấu hoặc tốt. Tây phương có câu châm ngôn: “ Anh chỉ nghe cái gì anh muốn nghe.” Câu này diễn tả rất đúng trạng thái của tâm, câu này chính là ngôn từ của Đạo Pháp. Nó diễn tả thật sát nghĩa những gì mà chúng ta đang hội thảo.

Chỉ nhìn cái gì nó muốn, rồi, luôn luôn diễn dịch sai sự thật. Cái lối nhìn một chiều về sự kiện của nó làm chúng ta mất trí phán đoán. Đồng thời chúng ta cũng nhìn nó như là tự nó xuất hiện, tự nó có mặt ở đây (quên mất yếu tố duyên khởi, cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt -- Dg)  Chúng ta cho rằng tự nó đến với chúng ta và nó luôn luôn như vậy, không bao giờ thay đổi. Chúng ta đã qúa sai lầm khi nhìn sự vật theo kiểu này và đây chính là lối nhìn của tâm vọng tưởng mà ra. Thay vì nhìn như thế, chúng ta hãy nhìn sự vật, nhìn sự kiện, nhìn hiện tượng như nó là, chúng xuất hiện như vậy, thế thôi, chứ không phải xuất hiện theo ý kiến riêng của chúng ta. Thực sự chúng ta đã không biết cái gì đã xẩy ra. Hãy chỉ nhìn sự vật như nó là. Tâm vọng tưởng nhìn sự vật một cách bao giàn hơn là nhìn “nó là như vậy”. Sự vật vô thường thì vọng tâm lại cho là thường hằng, sự kiện luôn biến đổi lại được nhìn như không bao giờ thay đổi. Những hiện tượng gây khổ đau lại luôn được chấp nhận đem lại hạnh phúc. Chúng ta luôn luôn nhìn sự vật một cách sai sự thật, chúng tự có và tự xuất hiện.

Lạt ma Je Tsongkhapa cho chúng ta biết tiến trình bám víu vào sự kiện, chấp vào sự vật như vậy sẽ làm chúng ta đi xa thực tế, đi xa sự thật. Nó hoàn toàn không có liên hệ gì đến hiện tính của sự vật. Chúng ta chấp vào sự vật, chúng ta nhận thức sự vật, rồi chúng ta tin tưởng rằng chúng phải xuất hiện theo một cách nào đó mà chúng ta muốn nhưng kết qủa là ảo tưởng của chúng ta lớn dần. Tâm vọng tưởng của chúng ta càng ngày càng trở nên dầy hơn, mạnh hơn. Nhận xét này đưa chúng ta trở về một quan niệm mà chúng ta đã nói đến trước kia: bất cứ cái gì xuất hiện --tốt xấu, thiên đàng địa ngục, luân hồi niết bàn...-- cũng đều là sản phẩm của tâm, đều là sự thị hiện của tâm. Khi tâm bị bao phủ bởi u mê, bởi vô minh thì tự nhiên nó sẽ đưa đến đau khổ. Vì thế, để thoát khỏi khổ đau, điều vô cùng quan trọng là phải hiểu thấu đáo cả hai đăïc tính tự nhiên của vọng tâm và những yếu tố phát sinh ra nó cũng như sự tăng trưởng của u mê mù quáng. Hãy đặc biệt quan tâm và thực hành thiền định trên sáu động lực này. Nó thật sự có gía trị. Sự hiểu biết của chúng ta chính là sức mạnh làm cho tâm trở nên ngay thẳng. Nếu không như vậy thì không còn một cách nào khác hơn có thể giúp chúng ta thoát khỏi những ảo vọng và mê lầm.