Sư tử hống, Phạn ngữ Simhanada, là tiếng gầm của loài sư tử, vua của các loài thú. Kinh Phật dùng ảnh dụ
này để chỉ âm thanh thuyết pháp của Đức Phật như tiếng gầm rống của sư tử chúa, không những không sợ hãi bất cứ loài thú nào mà còn làm cho các loài khác phải khiếp sợ, bị nhiếp phục. Khi Phật thuyết pháp, hàng Bồ tát, Thanh văn đều phát tâm cầu đạo Bồ đề, còn ngoại đạo và ác ma thì sinh tâm kính phục, sợ hãi.
Không chỉ Đức Phật mới rống lên tiếng sư tử hống mà các Tỷ khiêu cũng phải “rống tiếng rống con sư tử, tuyên bố dứt khoát rằng chỉ ở đây (trong giáo pháp Đức Phật dạy) mới có Đệ nhất Sa môn tức là chứng quả Dự lưu; mới có Đệ nhị Sa môn tức là chứng quả Nhất lai; mới có Đệ tam Sa môn tức là chứng quả Bất lai; mới có Đệ tứ Sa môn tức là chứng quả A la hán; còn các ngoại đạo khác không có bốn hạng Sa môn như vậy” (Tiểu kinh Sư Tử Hống, kinh số 11, Trung Bô I).
Theo kinh Thắng Man Bảo Quật, Sư tử hống có ba nghĩa: Như thuyết tu hành, Vô úy thuyết, Quyết định thuyết. Như thuyết tu hành là lời nói hợp với sự tu hành, không phải lời nói suông. Vô úy thuyết là biện tài vô ngại, xiển dương diệu pháp mà không hề do dự, sợ hãi; nói với sự xác tín, kiên quyết (Vô úy có hai nghĩa: Không sợ người và làm người sợ, bị nhiếp phục). Quyết định thuyết là nương theo chân lý để nói pháp lên sự thật, có khả năng hoằng dương đạo pháp, cứu độ chúng sinh, dẹp tà, hiển chánh (Từ điển Phật học Huệ Quang, tr.4005). Theo kinh Đại Bát Niết Bàn, Sư tử hống gọi là quyết định thuyết, nói lên yếu nghĩa “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, Như Lai thường trụ không có biến đổi”.
Kinh Đại Bát Niết Bàn nói về 11 ý nghĩa sư tử hống như sau: “Như sư tử chúa tự biết sức lực răng nanh bén nhọn, bốn chân chống đất đứng trong hang vẫy đuôi gầm ra tiếng. Nếu có người nào đủ những tướng như vậy phải biết rằng có thể rống như sư tử, thiệt là sư tử chúa sáng sớm ra khỏi hang vươn vai ngáp, nhìn ngó bốn phương, cất tiếng rống to. Làm như thế là vì mười một điều: Một là vì muốn phá dẹp những loài chẳng phải thiệt sư tử mà dối làm sư tử; hai là vì muốn thử sức mình; ba là vì muốn khiến chỗ ở thanh tịnh; bốn là vì muốn bầy sư tử con biết chỗ nơi; năm là vì muốn đàn sư tử không tâm kinh sợ ; sáu là vì muốn kẻ ngủ được thức tỉnh; bảy là vì muốn tất cả những thú phóng dật được siêng năng chẳng phóng dật; tám là vì muốn những thú khác đến chầu hầu; chín là vì muốn điều phục đại hương tượng; mười là vì muốn dạy bảo các con cái; mười một là vì muốn trang nghiêm quyến thuộc của mình.
Này thiện nam tử! Như Lai Chánh Đẳng Giác, Trí huệ là nanh vuốt, Bốn như ý túc là chân, đầy đủ Sáu môn Ba la mật là thân, Thập trí lực hùng mãnh là sức lực, Đại từ bi là đuôi an trụ, Tứ thiền là hang thanh tịnh, vì chúng sinh mà rống như sư tử, dẹp phá quân ma, hiện bày mười trí lực, mở mang chỗ đi của Phật, làm chỗ nương về cho bọn tà kiến, vỗ về những chúng sợ sệt sinh tử, giác ngộ chúng sinh vô minh ngủ nghỉ, làm cho người tạo ác sinh tâm ăn năn, khai thị tà kiến cho tất cả chúng sinh, làm cho họ biết hàng Lục sư chẳng phải là tiếng rống của sư tử, để phá lòng kiêu mạn của ngoại đạo Phú Lâu Na v.v…
Làm cho hàng Nhị thừa sinh lòng hối hận, dạy bảo các Bồ tát bực ngũ trụ cho họ sinh tâm đại lực, làm cho bốn bộ chúng chánh kiến chẳng sợ sệt những đồ chúng tà kiến, nên từ nơi thánh hạnh, phạm hạnh, thiện hạnh, vươn vai mà ra. Muốn khiến các chúng sinh phá lòng kiêu mạn nên há ngáp. Vì khiến chúng sinh thêm lớn pháp lành nên đoái ngó bốn phương. Vì khiến chúng sinh đặng Tứ vô ngại biện nên bốn chân chấm đất. Vì khiến chúng sinh đầy đủ Thi la Ba la mật nên rống như sư tử” (Kinh Đại Bát Niết Bàn, tập II, HT.Thích Trí Tịnh dịch, NXB Tôn Giáo, 2003, tr.196).
Ngoài ra, còn nhiều kinh luận khác nói về ảnh dụ sư tử hống như kinh Hoa Nghiêm, luận Đại trí độ… Trong kinh điển Phật giáo Bắc truyền, sư tử hống thường được dùng cho tiếng nói của các bậc đại trí, có thể chuyển mê, khai ngộ, phát Bồ đề tâm.